top of page

MỘT CÁI NHÌN KHÁC VỀ BÓNG ĐÁ HIỆN ĐẠI, TỪ JUANMA LILLO…

  • Writer: Nguyễn Hữu Trung
    Nguyễn Hữu Trung
  • Dec 25, 2022
  • 6 min read

Updated: Dec 29, 2022

Giờ đây, đúng là chẳng còn mấy cầu thủ tệ nữa. Nhưng khi cố gắng loại bỏ đi những cầu thủ tệ, chúng ta cũng đã gián tiếp đánh mất những gã thật sự xuất chúng rồi.

Những chia sẻ khá thú vị từ Juanma Lillo, trợ lý huấn luyện viên của Pep Guardiola ở Manchester City được đăng tải trên The Athletic. Lược dịch và biên tập bởi Meringos.

“Tôi không còn nhận ra thứ bóng đá mà mình từng biết nữa - nó đã trở thành một thứ gì đó mà tôi không thể gọi tên. Bản chất của môn thể thao này đã thay đổi - giờ đây, họ hướng tới những đối tượng khách hàng tiêu thụ, chứ không còn là người hâm mộ, vì họ cần những khoản tiền truyền hình.


Nhưng kể cả vậy, tôi vẫn xem không sót trận nào ở World Cup năm nay, như mọi lần khác.


Tôi luôn thích bóng đá đội tuyển hơn là cấp độ CLB, bởi ở đó quy tụ những cầu thủ xuất sắc nhất, họ phóng khoáng hơn và thể hiện bản thân nhiều hơn. Để chứng minh điều đó, tôi có khoảng 12 terabytes ghi chú về những trận đấu từ 1950 tới 1990 ngay trên bàn, nếu bạn muốn.


Bóng đá cấp độ đội tuyển quy tụ những cái tên xuất sắc nhất, và tạ ơn Chúa, họ không bị gò bó theo ý của các HLV. Vì làm gì có thời gian mà gò. Tôi thấy điều này thật sự tuyệt vời: ở World Cup, các HLV không thể ảnh hưởng tới trận đấu quá nhiều, để dành sân khấu cho các cầu thủ - những người thực sự quan trọng.


Thực sự rất, rất tuyệt vời, vì chúng ta, những HLV, đang can thiệp quá sâu. Tôi không thể chịu nổi điều này. Chúng ta(các HLV) có cách hiểu riêng của mình về bóng đá, và rồi chúng ta áp đặt nó lên các cầu thủ, để giúp họ hiểu bóng đá hơn ư? Nhảm nhí! Mỗi cầu thủ nên được phép hiểu môn thể thao này theo cách mà họ muốn.


Và giờ cái gì cũng đều theo khuân mẫu cả. Ngày nay, một buổi tập ở Nam Phi và một buổi tập ở Na Uy cũng chẳng khác gì nhau hết. “Chuyền qua đây”; “Tìm kiếm khoảng trống đi”; “Chuyền qua kia”… Thời đại của những chân rê có vẻ đã qua rồi, các bạn ạ.


Vì tính chất công việc, tôi có xem hết các giải đấu trên thế giới. Từ Anh, Nhật, tới Trung Quốc, Nam Mỹ…Chắc chỉ còn mỗi ở Nam Mỹ là chúng ta còn có thể nhìn thấy những cầu thủ sở hữu bộ kỹ năng phát triển từ đường phố, thay vì những gì được dạy trong các học viện.


Dường như chúng ta đang không ý thức được mớ hỗn độn mà mình đã tạo ra. Chúng ta đã phổ biến rộng rãi một thứ khuân mẫu chung, đến một mức độ mà nó len lỏi vào cả ở một giải đấu như World Cup. Thực sự nếu chúng ta yêu cầu một vài cầu thủ Brazil và Cameroon đổi áo cho nhau trong giờ nghỉ giải lao, có khi người ta cũng chẳng nhận ra đâu mà. Có thể họ sẽ nhận ra qua màu tóc, nước da hay những hình xăm, cơ mà chắc chắn không phải qua cách họ chơi.


Lúc nào cũng là “dos toques”. Hai chạm. Vì tất cả bọn họ đều được dạy là phải xử lý với hai chạm, nên chẳng có ai xử lý quá chạm thứ hai cả. Đến mức nó thành một hệ tư tưởng luôn rồi, “El Dostoquismo”.


Bản thân tôi cũng là một người đã từng theo đuổi những khuân mẫu và lối suy nghĩ đó, nên khi nói điều này, tôi cảm thấy mình như một người cha già với đầy những sự hối tiếc vậy. “


“Nhưng thôi, quay lại với kỳ World Cup này đi nhỉ. Tôi rất nhớ trận đấu giữa Tunisia và Đan Mạch ở tuần thi đấu đầu tiên. Đó là trận đấu mà tôi thích nhất: 0-0, nhưng tràn ngập những cơ hội. Số cơ hội tạo ra có khi còn nhiều hơn trong trận thắng 7-0 trước Costa Rica, một trận đấu mà họ(Tây Ban Nha) chơi quá hay, với nhịp độ chuẩn chỉ, khai thác không gian hoàn hảo, phối hợp nhóm nhanh.


Cơ mà kể cả thế thì tôi vẫn chẳng dám nói đội nào đang chơi tốt nhất ở World Cup lần này, vì các cầu thủ quá giống nhau, như từ một khuân đúc ra vậy. Giờ đây, đúng là chẳng còn mấy cầu thủ tệ nữa. Nhưng khi cố gắng loại bỏ đi những cầu thủ tệ, chúng ta cũng đã gián tiếp đánh mất những gã thật sự xuất chúng rồi.


Còn Tây Ban Nha thì đã hơi thiếu may mắn khi phải đối đầu với hai đội bóng không để lộ ra bất kỳ không gian nào, Nhật Bản và Morocco. Lối chơi của Morocco có thể được mô tả là kiểu khi trái bóng còn cách khung thành họ hẳn 50m, họ sẽ coi như thể nó chỉ còn cách có 10m thôi vậy. Và không chỉ riêng Morocco làm thế - rất nhiều đội cũng đã chọn cách tiếp cận tương tự ở World Cup năm nay.


Morocco không lùi đội hình quá sâu trước Tây Ban Nha - đôi khi họ phòng ngự cách khu vực vòng cấm đâu đó 10m cơ. Và thế là họ bảo Morocco là đang chơi “mid block”. Tôi thấy thật sự rất buồn cười khi người ta nói về high-block, mid-block, low-block này kia…cái block duy nhất tôi biết chỉ là apartment blocks mà thôi. Mấy chiếc block kia có gara không thế?


Dù Morocco đá với kiểu block gì đi chăng nữa, cả đội hình của họ đều đã phải phối hợp với nhau rất đồng bộ và quyết tâm trong việc khoá chặt các khoảng trống. Và càng ngày càng khó để vượt qua lối phòng ngự này - các đội có thể kéo các tuyến của họ, hàng tiền vệ và hàng hậu vệ, từ nửa sân bên này sang phía đối diện nhanh hơn nhiều so với tốc độ bóng đi.


Nhiều người cho rằng Tây Ban Nha nên cố gắng đưa bóng thẳng vào trong vòng cấm và cố gắng ăn bóng hai, cơ mà để ăn được bóng hai thì bạn cũng sẽ phải press cao hơn và cố gắng giữ khoảng cách thật gần với đối phương. Cơ mà cứ tưởng tượng xem, nếu pha bóng hai đấy bay tới vị trí của Ziyech hoặc Boufal thì sao? Họ có thể sẽ cầm bóng dẫn thẳng lên phía trên, mở ra một đợt phản công và đem về bàn thắng. Nếu là như thế, người ta cũng sẽ chỉ trích bạn ngược lại thôi. Như Argentina ấy, họ đã mắc chính sai lầm này - họ cố tung ra những đường killer pass quá sớm và quá vội vàng. Làm như thế, bạn sẽ rất dễ bị tổn thương bởi những pha phản công.


Tôi thấy những ý kiến như thế chỉ đơn giản là những sự cơ hội.


Lấy thêm một ví dụ nữa đi, về quyết định loại Ronaldo khỏi đội hình xuất phát trong trận đấu ở vòng 16 đội của Bồ Đào Nha vậy nhé. Bồ Đào Nha thắng 6-1, và người ta lập tức gọi đó là một quyết định tuyệt vời. Nhưng giả sử mà Bồ Đào Nha thua 0-2 thì sao? “Để một thằng nhóc chỉ mới chập chững bước vào bóng đá cấp độ cao nhất đá số 9 thay cho Cristiano là một quyết định điên rồ, có vấn đề gì với BHL của họ vậy”


Đôi khi, tôi cảm thấy như một số người chỉ đợi 90’ trôi qua để ca tụng đội thắng và mổ xẻ đội thua vậy.


Nên là, hãy chú ý tới những nhận xét, ý kiến được đưa ra trước trận đấu ấy, tất nhiên là chúng phải có cơ sở và lập luận đàng hoàng. Vì sau trận đấu thì ai mà chẳng là chuyên gia.

Comments


bottom of page