top of page

POST-MATCH ANALYSIS: Real Madrid 1-0 Liverpool. (P1)

  • Writer: Nguyễn Hữu Trung
    Nguyễn Hữu Trung
  • Aug 20, 2022
  • 7 min read

Updated: Aug 25, 2022

Đội hình xuất phát

Về phía Liverpool, Alisson Becker tiếp tục đứng trong khung gỗ của “The Kop” và ở ngay phía trước của thủ môn người Brazil sẽ là bộ tứ hậu vệ Alexander Arnold - Konate - Van Dijk - Robertson. Ở hàng tiền vệ, Fabinho sẽ cùng với đội trưởng Jordan Henderson và Thiago Alcantara hợp thành bộ ba tiền vệ trung tâm ở khu vực giữa sân. Hàng công của Liverpool sẽ là sự kết hợp của ba tiền đạo Salah, Mane và tân binh Luis Diaz, đây là những cầu thủ sở hữu kỹ thuật cá nhân điêu luyện cùng những bước chạy thần tốc.


Bên kia chiến tuyến, Carlo Ancelotti vẫn sử dụng bộ khung quen thuộc của ông ở các trận đấu UCL gần đây. Courtois sẽ là người trấn giữ khung thành, phía trên thủ môn người Bỉ là bộ tứ Carvajal - Militao - Alaba - Mendy. Bộ ba MCK (Modric - Casemiro - Kroos) đã xuất phát cùng nhau ở ba trận chung kết liên tiếp từ 2016-2018 và họ sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhau ở trận chung kết lần này. Hàng tấn công của Real Madrid là sự kết hợp giữa sức trẻ của Vinicius Junior và Federico Valverde cùng kinh nghiệm của Karim Benzema


Nhìn chung thì đây là những con người tốt nhất của cả hai bên rồi.

Liverpool build-up

Liverpool triển khai build-up với khối 2-3 quen thuộc, với Fabinho chơi single pivot. Cặp trung vệ Van Dijk - Konate được xếp chơi gần nhau, trong khi bộ đôi hậu vệ biên Arnold - Robertson được đẩy ra sát biên để trở thành những điểm thoát áp lực. Đôi khi cả Thiago cũng sẽ lùi về để tạo thành khối 2-4.


Với sự áp đảo quân số, Liverpool không gặp mấy khó khăn trong việc vượt qua lớp pressing đầu tiên của Real Madrid - một đội bóng pressing rất thiếu đồng bộ, nửa vời và không hề có tính hệ thống. Real Madrid cũng không hề có ý định gây áp lực tầm cao với Liverpool. Trong hầu hết các tình huống, Modric sẽ là người di chuyển lên để hỗ trợ Benzema gây áp lực, được yểm trợ bởi bộ đôi Valverde - Vinicius. Đây là một ví dụ ở phút thứ 6 của trận đấu:


Allison chuyền bóng cho Konate, và Benzema liền lao lên gây sức ép. Modric cũng di chuyển theo. Trong tình huống này, Konate đã có một pha xử lý rất khéo léo, khiến Benzema bị mất đà và mở ra khoảng trống mênh mông cho Fabinho nhận bóng. Vinicius bây giờ mới dâng lên, và gần như không gây được chút khó khăn nào. Fabinho từ tốn gạt trái bóng sang cho Arnold. Pha bóng kết thúc với một đường chọc khe rất khó chịu của cầu thủ người Anh nhắm tới vị trí của Sadio Mane.


Không liên quan cơ mà Konate kéo bóng ghê thế nhỉ.

Real Madrid build-up vs Liverpool' high-block

Ở phía bên kia chiến tuyến, Real Madrid ban đầu vẫn triển khai build up với khối 2-4 (bất đối xứng) ở những trận đấu trước. Kroos và Casemiro tạo thành cặp double pivot. Modric được đẩy lên chơi như một số 10 tự do, thường chọn vị trí sau lưng của Thiago, người kiểm soát không gian kém hơn trong bộ đôi tiền vệ trụ của Liverpool. Mendy có xu hướng di chuyển vào half space và bỏ lại khoảng trống cho Benzema drop deep hỗ trợ build-up. Như đã nói ở bài nhận xét passmap, ý tưởng của Real Madrid trong khoảng hơn 30 phút đầu tiên của hiệp 1 là hạn chế triển khai bóng từ tuyến dưới, mà thay vào đó tìm kiếm cơ hội từ những đường chuyền dài. Đó là lý do Valverde cũng ít có xu hướng lui về kéo bóng hơn ở những trận đấu trước, mà thay vào đó được đẩy cao ngang với Vinicius ở cánh đối diện.


Liverpool, không nằm ngoài dự đoán, đẩy cao đội hình pressing và thiết lâp một khối đội hình 4-2-4 high block, với Thiago và Fabinho là bộ đôi tiền vệ trụ. Tuy nhiên, trái với dự đoán, thay vì kéo Henderson về để bọc lót cho Arnold dâng cao, HLV Jurgen Klopp lại chỉ đạo Arnold chọn vị trí thật thấp nhằm kiềm toả Vincius. Hendo được đẩy lên tuyến đầu, chiếm một vị trí trung tâm trong hàng ngang 4 người cùng với Mane, Salah và Diaz. Mane và Henderson sẽ có nhiệm vụ cover shadow hai pivot của Real Madrid, và sức càn lướt của bộ đôi này đã khiến Real Madrid gặp không ít khó khăn trong việc triển khai bóng. Khối high-block cũng giúp Liverpool counterpress rất hiệu quả, tuy nhiên đó lại không phải ưu tiên của Liverpool trong trận đấu ngày hôm qua. Lựa chọn của họ khi mất bóng thường vẫn là duy trì một khối block kín kẽ, và lùi dần về mid-block.


Tuy nhiên, khối high block của Liverpool tồn tại hai nhược điểm: nó yêu cầu intensity rất cao, và khoảng không gian mà bộ đôi tiền vệ trụ của họ phải bao quát ở giữa sân là quá lớn. Real Madrid chấp nhận chơi bóng dài, gần như nhường toàn bộ bóng cho Liverpool và lui về chống chịu trong khoảng thời gian đầu, cốt để chờ intensity của đối thủ đi xuống theo thể lực. Đơn giản là bài toán cost-benefit thôi.


Trên hình là một ví dụ cho pattern vừa nêu,ở phút thứ 5. Militao đã lập tức phất một đường bóng dài lên cho Valverde trước áp lực của Liverpool, mà sau cùng đã bị Robertson cắt được.

Liverpool đã rút kinh nghiệm từ trận lượt đi mùa giải trước như thế nào?

Các cầu thủ Liverpool cũng đã làm quá tốt việc phong toả Vinicius, luôn có ít nhất hai cầu thủ áp sát rất nhanh mỗi khi cầu thủ người Brazil đón bóng. Ngoài Arnold, Konate và Henderson cũng luôn để mắt rất sát tới Vini, ví dụ như trong tình huống trên. Mục tiêu là rất rõ ràng: không cho thằng nhóc chơi bóng.


Liverpool rõ ràng đã rút ra bài học xương máu từ thất bại năm ngoái, khi mà họ để cho Vinicius được thoải mái mở tốc đón những đường chuyền dài của Kroos. Ví dụ như ở phút thứ 30, mình đã thực sự ngạc nhiên khi Arnold lại chọn vị trí thông minh, và đưa cái chân ra cắt bóng ngọt lịm được như vậy. Ai bảo Arnold không biết thủ nhỉ?

Điều chỉnh của Carlo

Sau khoảng hơn 15 phút đầu tiên, hầu hết các pha phất dài của Real Madrid đều bị bộ đôi Van Dijk - Konate, hay đôi khi là cả Fabinho hoá giải dễ dàng. Sức ép quá lớn từ Liverpool đã buộc Real Madrid phải có những sự điều chỉnh. Lúc này, Real Madrid sử dụng linh hoạt cả những tình huống Casemiro nhô cao, đá đúng với role volante, trong khi Modric lui về cùng Kroos tạo thành cặp double-pivot, với mục đích giảm tải bớt áp lực cho hàng phòng ngự. Concept chủ yếu vẫn là bóng dài thôi, nhưng press resistence của Modric rõ ràng là vượt trội hơn so với Casemiro, nên sẽ kéo giãn bớt được nhịp độ, tránh bị cuốn vào lối chơi nhanh của Liverpool.


Kể từ sau bàn mở tí số của Vini, Real Madrid chuyển qua hẳn cách vận hành này khi có bóng. Modric - Kroos double-pivot, Casemiro nhô cao.


Khi này, Kroos hoặc Modric sẽ lui về khu vực quarterback, kéo theo một winger của Liverpool lên gây sức ép. Lúc này, điểm yếu thứ hai của khối high-block sẽ bị khai thác: Fabinho và Thiago không thể quán xuyến hết được một không gian quá mênh mông ở giữa sân. Từ đó, khoảng trống dần mở ra cho hai fullback của Real Madrid khai thác ở hai biên, giữa khối block như được biểu diễn trong hình.


Trong hiệp hai, các cầu thủ Real Madrid bắt đầu khai thác nhiều hơn vào khoảng trống được chỉ ra ở trên. Modric bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, và lùi sâu hơn ở khu vực half space phải nhằm tạo lợi thế quân số 3v2 cùng với một trong hai pivot.

Đẳng cấp của MCK

Như đã nói, intensity khủng khiếp giúp các winger của Liverpool có thể liên tục thực hiện cover shadow hiệu quả, nhưng dần dần, khi thể lực đi xuống, họ đôi khi không thể duy trì được điều đó, tạo điều kiện cho Real Madrid phản đòn ở quãng thời gian sau.


Trong tình huống cụ thể này, Liverpool đã đặt trap, chủ động để mở passing lane tới Toni Kroos. Modric không còn lựa chọn nào khác sẽ buộc phải chuyền, và Liverpool định tận dụng lợi thế quân số để giành lại bóng. Tuy nhiên, đẳng cấp on top of da game của bộ ba MCK đã được thể hiện rất, rất rõ trong pha bóng này, một pha thoát pressing thực sự quá kinh dị. Mình thực sự bất ngờ vì chưa thấy ai nhắc tới tình huống này cả.


Đầu tiên, hãy để ý pha chạm một định hướng của Toni, kéo theo Henderson và từ đó,không rõ vô tình hay hữu ý, mở ra passing lane tới vị trí của Casemiro. Ở đây, Liverpool tiếp tục đặt trap, để mở passing lane tới Carvajal, nhằm tận dụng lợi thế quân số vây bắt. Luis Diaz cũng đã bước sẵn một buóc, chờ đợi đường chuyền của Kroos…


…nhưng Kroos lại không nghĩ thế. Cầu thủ người Đức trả ngược bóng lại cho Modric, một quyết định không ai dám nghĩ tới. Lý do là vì Modric sẽ có rất, rất ít thời gian lẫn không gian để xử lý, khi mà cả Diaz lẫn Mane đều ở rất gần anh. Nếu Modric xử lý chậm một nhịp, chắc chắn sẽ xảy ra một pha mất bóng nguy hiểm.


Cơ mà bằng một cách nào đó, Modric vẫn có thể chuyền một đường chuyền cận chân chuẩn xác tới chỗ Casemiro. Robertson trước đó đã dâng lên hớ, để lại sau lưng khoảng trống mênh mông cho Valverde. Tuy nhiên, để khai thác được, Casemiro cũng đã phải có một pha xử lý khác ở độ khó rất, rất cao. Và cái cách anh xử lý nó nhìn thực sự đơn giản: một chạm, bấm bóng qua đầu Fabinho và đến đúng đà chạy của Fede. Tiếc là một đường chuyền cũng ảo diệu chả kém của Valverde đã không tới được chân của Vinicius.


“Chiến thuật là chết, con người là sống” nó là như này này. Hai pressing trap, 6 cầu thủ bị loại bỏ bằng 3 đường chuyền gọn gàng và thanh thoát, mà kinh dị hơn là cả ba ông thần xử lý thản nhiên như không, cứ như kiểu đang đá tập vậy. MCK chính là lý do Real Madrid mặc kệ meta, một mình một kiểu từ năm 2018 đến giờ mà vẫn đáng gờm đấy.. Holy freaking crap…


Nhân đây mình cũng muốn nói rõ một luận điểm: MCK ngán high pressing thật, nhưng chỉ là khi đối thủ high-pressing quá khoa học và hệ thống quá chặt chẽ thôi, như Chelsea ở trận lượt về, hoặc City chẳng hạn. Chứ presssing cậy sức nhiều như Liverpool thì không, nhất là Kroos ấy.


(Hết P1)

Comments


bottom of page