top of page

RETRO #1: JOSE MOURINHO’ REAL MADRID STORY (P2): 2011/2012 - LOATHING STILL, FEAR NO MORE.

  • Writer: Nguyễn Hữu Trung
    Nguyễn Hữu Trung
  • Sep 12, 2022
  • 26 min read

Updated: Dec 25, 2022

Điều gì còn đáng nể hơn cả việc giành chức vô địch quốc gia trước một đội bóng của Pep Guardiola? Well, có lẽ là giành chức vô địch quốc gia trước một đội bóng của Pep Guardiola, trong một mùa giải mà Leo Messi ghi tới 50 bàn thắng chỉ trong khuôn khổ giải quốc nội. Như Oscar Sainz của El Pais cảm thán: “Tôi không hề có niềm tin vào Real Madrid. Thật đáng kinh ngạc khi họ giành được chức vô địch La Liga của và phá vỡ mọi kỷ lục của giải đấu, về điểm số lẫn cả bàn thắng”

Đó là mùa giải đỉnh cao của Real Madrid dưới sự dẫn dắt của Mourinho. Sau một mùa giải 2010-11 tương đối ổn, nhưng vẫn phải chịu đầu hàng trước sự áp đảo của Barcelona, Real Madrid 11/12 đã trở thành một phiên bản hoàn thiện hơn rất nhiều của chính họ, thành công giúp Real Madrid lật đổ đế chế thống trị của người Catalonia. Thậm chí, Guardiola còn đã quyết định chia tay Barca sau khi kết thúc mùa giải.

Real Madrid của Jose Mourinho đã giành tổng cộng 16 chiến thắng sân nhà và 16 chiến thắng sân khách, vươn lên ngôi đầu bảng ở vòng 10 và từ đó không rời khỏi vị trí này thêm một lần nào nữa. Họ để thua đúng 2 trận và kết thúc mùa giải với tròn 100 điểm, phá vỡ thành tích của Barca mùa 2009/10 với 99 điểm. Không dừng lại ở đó, Real Madrid còn ghi được tới 121 bàn thắng, phá vỡ kỷ lục cũ 107 bàn do chính họ thiết lập ở mùa giải 1989/90. Hiệu số dương 89, với chỉ 32 bàn thua cũng là vô cùng đáng nể.

Vậy, Real Madrid đã đạt được điều này như thế nào?

Pre-season:

Mùa hè 2011, Real Madrid tiếp tục đưa về thêm 4 tân binh khá đáng chú ý, bao gồm Fabio Coentrao từ Benfica (£27M); trung vệ 18 tuổi Varane từ Lens (£9.9M); Nuri Sahin từ Dortmund(M) và cựu học viên Castilla, Jose Callejon từ Espanyol(£4.5M). Tuy nhiên, ngoại trừ Fabio Coentrao với 33 lần ra sân, những cái tên còn lại đều không có đóng góp gì đáng kể cho đội bóng của Mourinho mùa giải đó.


Ở chiều đi, con bài wild-card rất được tin dùng của Mou ở mùa giải trước đó - Adebayor trở về Manchester City sau khi hết thời hạn cho mượn. Garay và Gago sau một mùa giải không được trọng dụng đã lần lượt gia nhập Benfica(£4.95M) và được cho mượn sang Roma. Cũng ra đi theo dạng cho mượn là bộ ba cầu thủ trẻ Drenthe, Canales và Pedro Leon, sang lần lượt Everton, Valencia và Getafe.

“Autonomy”


Như chúng ta đều biết, Jorge Valdano đã bị sa thải sau khi có mâu thuẫn với Jose Mourinho ở mùa giải trước. Quá trình tái cấu trúc bộ máy của Real Madrid, theo như lời của Chủ tịch Perez, bắt đầu với việc cố vấn của ông, Zinedine Zidane, được bổ nhiệm làm Giám đốc thể thao vào ngày 8/7/2011. Zidane là người đóng vai trò rất lớn trong việc chiêu mộ Raphael Varane từ Lens, khi mà Mourinho lúc đó thậm chí còn chưa từng xem Varane thi đấu.

Ở mùa giải 2011-2012, Mourinho đưa ra một quyết định mà sau này trở thành một trong những di sản lớn nhất của ông tại Real Madrid - kéo Sergio Ramos vào đá trung vệ. Bắt đầu từ trận gặp Espanyol ở vòng 7 thì phải. Sự xuất hiện của Ramos giúp cho Real Madrid (1) bảo vệ khu vực between the lines tốt hơn, với sự chủ động và óc phán đoán của Tứ Ca - điều sẽ trực tiếp ảnh hưởng lớn tới cục diện của những trận El Clasico sau này và (2)giúp Real Madrid có thêm một chân điều phối bóng + phất bóng dài ở tuyến dưới, chia lửa cho deep-lying playmaker Xabi Alonso. Khắc phục phần nào(không hoàn toàn) được vấn đề phụ thuộc vào khả năng điều phối của Alonso trong mùa giải trước đó, với việc Ramos tỏ ra rất thoải mái trong vai trò một ball-playing defender, sẵn sàng cầm bóng dâng tới hàng tiền vệ. Sự xuất hiện của Ramos bên trục trái cũng giúp “thả xích” cho Marcelo, anh có thể xuất phát cao hơn trong giai đoạn build-up, khi mà đã có một Ramos sẵn sàng dãn rộng để làm outlet thoát áp lực & bọc lót nguyên trục trái khi cần. Một pattern khá mới trong những pha tấn công của Real Madrid mùa giải này là những pha diagonal run cắt qua đường chạy của tiền đạo đến từ Marcelo, khiến hàng thủ đối phương gặp nhiều bối rối.


Đây cũng là một mùa giải đánh dấu sự chuyển biến khá rõ rệt trong lối chơi của Ronaldo, mà thực chất đã bắt đầu từ mùa giải trước đó. CR7 chuyển hẳn thành một inside forward, hạn chế hơn những tình huống lui về kéo bóng và chỉ bắt đầu nhận bóng từ giữa sân trở đi. Ngoài ra, khả năng off-ball với những pha chạy chỗ xẻ từ biên vào của Ronaldo cũng được nâng lên một tầm cao mới, biến 2011-2012 trở thành phiên bản toàn diện nhất trong sự nghiệp của GOAT. Cầu thủ người Bồ ghi 60 bàn và có 15 lần dọn cỗ cho đồng đội lập công chỉ sau 55 lần ra sân, tức là trung bình mỗi 65’, Ronaldo sẽ lại có một bàn thắng/kiến tạo.

Bên cạnh Ronaldo, những nhân tố khác trên hàng công của Real Madrid cũng có một mùa giải thực sự bùng nổ, giúp lối chơi của tấn công của đội trở nên thực sự khó đoán và đa dạng. Benzema ghi 32 bàn, có 19 kiến tạo sau 52 lần ra sân - một cái tát cho những ai đang dè bỉu Big Benz là one season wonder. Với Higuain, các thông số này lần lượt là 26 và 13, sau 54 trận(nhưng số phút của Benzema lại nhiều hơn đáng kể). Trong bộ đôi này, sự nhanh nhẹn và khả năng săn bàn của Higuain sẽ phát huy hiệu quả khi đem đi giết gà, nhưng Benzema với những impact khổng lồ vượt lên trên cả output mới là người luôn được tin dùng trong các big games. Ozil cũng có mùa giải thăng hoa nhất sự nghiệp, với 7 bàn và 28 đường kiến tạo trên khắp các mặt trận; Di Maria cũng có cùng 7 bàn, nhưng số kiến tạo khiêm tốn hơn - “chỉ” có 17 lần. Ngoài ra, Ricardo Kaka cũng được sử dụng khá thường xuyên(và hiệu quả) trong vai trò một quân bài wildcard/rotation; ra sân tổng cộng 40 lần, (so với chỉ vỏn vẹn 20 lần ở mùa giải trước, do chấn thương) và đóng góp 8 bàn thắng, 16 đường kiến tạo.


Real Madrid khởi đầu mùa giải với thất bại chung cuộc 4-5 trước Barcelona ở Siêu Cúp Tây Ban Nha. Trong trận lượt đi, công bằng mà nói, Real Madrid đã chơi tốt hơn rất nhiều so với Barcelona, và tỉ số 2-2 không hề phản ánh được thế trận. Cả hai bàn thắng của Barca đều đến từ những tình huống khá…đỏ bóng: một cú cứa lòng không thể cản phá của Villa vào góc chữ A, và một tình huống Pepe trượt chân đầy đáng tiếc.

Real Madrid sẵn sàng đẩy đội hình lên pressing rất cao, với một khối 424 cực kì aggressive, tận dụng việc Barcelona thiếu vắng đi cả Busi, Xavi lẫn Pique trong đội hình xuất phát, còn tân binh Cesc Fabregas thì chưa thể góp mặt. Cặp tiền vệ Keita và một Thiago non trẻ đã không thể giúp Barca thoát pressing hiệu quả, buộc Iniesta phải lùi xuống rất sâu để hỗ trợ. Thậm chí, Real Madrid đã sở hữu tỉ lệ kiểm soát bóng lên tới 54% trong hiệp đấu đầu tiên, tung ra tới 13 cú sút. Benzema chơi cực kì nổi bật trong trận này, với những pha drift wide rất hiệu quả, điển hình như trong tình huống Oezil ghi bàn mở tỉ số.

Trận đấu lượt về tiếp tục diễn ra cực kì hấp dẫn với nhịp độ dồn dập và thế trận mở, đặc biêt là trong hiệp một. Real Madrid giữ nguyên lối chơi pressing tầm cao, với bộ đôi double-pivot Alonso và Khedira được giao nhiệm vụ man-mark thật chặt Iniesta và Xavi. Tuy nhiên, Pep đã chuẩn bị một bất ngờ cho Real Madrid, khi kéo Messi về đá lùi sâu ở half-space phải, mở ra khoảng trống cho Iniesta, Pedro và Villa linh hoạt khai thác - và nó đã khiến Real thực sự choáng váng. Alves cũng có một trận đấu khá ấn tượng, kiềm tỏa được tương đối ngòi nổ chính Cristiano Ronaldo. Một lần nữa, Benzema lại là cầu thủ chơi ấn tượng nhất bên phía Real Madrid, với một bàn thắng và một pre-assist.

Cho đến phút 88, tỉ số vẫn đang là 2-2, và khi nhiều người đang chờ đợi 30’ hiệp phụ thì Messi bất ngờ từ đâu xuất hiện, ghi bàn nâng tỉ số lên 3-2 từ đường căng ngang của Adriano. Sau lượt đi nhạt nhòa, ở trận lượt về, El Pulga đã trở lại là chính mình và một tay nhấn chìm Real Madrid với một cú đúp.

Tuy nhiên, sự vụ xảy ra ngoài đường pitch ở những phút cuối mới là thứ khiến người ta bàn tán ầm ĩ nhất sau khi trận đấu kết thúc. Cụ thể, ở phút 94’, Marcelo có một cú chuồi bóng ác ý với Cesc Fabragas, nhận thẻ vàng thứ hai. Cầu thủ hai đội lập tức vây lấy nhau, đỉnh điểm là hành động chọc tay vào mắt cố huấn luyện viên Tito Vilanova của Jose Mourinho - một vết đen trong sự nghiệp của “The Special One”. David Villa và Oezil sau đó cũng bị phạt thẻ đỏ, còn Mou bị cấm chỉ đạo hai trận.


Sau trận đấu, Mourinho khẳng định rằng mình không biết “Pito Vilanova gì đó là gã quái nào.” “Pito” trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “con cak”, so well, có vẻ như Mourinho biết đấy.


Trên tờ Mundo Deportivo vào năm 2021, 10 năm sau khi sự vụ xảy ra, Mourinho bày tỏ sự hối lỗi:


“Rõ ràng là người đã sai, tôi không nên làm như thế. Tito không làm gì sai cả. Tôi muốn gửi lời xin lỗi tới ông ấy.


Tôi đã không kiểm soát được bản thân, và nếu được quay lại, đây là một hành động mà chắc chắn tôi sẽ không làm điều đó.”


Tuy nhiên, hành động xấu xí này chắc chắn sẽ mãi mãi gắn liền với sự nghiệp của “The Special One”.


Real Madrid khởi đầu mùa giải La Liga với 10 bàn thắng sau hai trận đấu đầu tiên - một chiến thắng 6-0 trước Zaragoza, và một màn huỷ diệt khác với tỉ số 4-2 trước Getafe. Tuy nhiên, ở vòng đấu thứ ba, họ bất ngờ để thua Levante - một hiện tượng của giải đấu năm đó, với tỉ số 0-1. Đây là một trong hai trận thua duy nhất của họ trong mùa giải năm đó. Bước ngoặt của trận đấu là chiếc thẻ đỏ được rút ra chỉ 5 phút trước giờ nghỉ cho Khedira, sau khi cầu thủ người Đức xô ngã Sergio Ballesteros.

Mourinho, như thường lệ, tỏ ra bất bình trong buổi họp báo sau trận:

“…tôi phải chúc mừng Levante, vì họ làm quá tốt những dirty tricks. Diễn trò, khiêu khích, câu giờ - chúng đều là một phần của bóng đá, và chúng ta phải chấp nhận…”

“Tôi cũng không đồng ý với quyết định rút thẻ đỏ của trọng tài, cũng như một quả penalty bị từ chối - tuy nhiên, Khedira vẫn phải chịu trách nhiệm. Cậu ấy bị gài, nhưng chúng tôi đã thảo luận về điều đó từ trước trận đấu rồi và cậu ta vẫn mắc bẫy.”

Sau trận thua này, Real Madrid tiếp tục gây thất vọng khi để Racing cầm hòa không bàn thắng, trước khi trở lại mạnh mẽ với hai màn hủy diệt liên tiếp Zaragoza 6-2 và Espanyol 4-0. Họ giật lại ngôi đầu từ tay Levante ở vòng đấu thứ 10, sau khi giành chiến thắng 3-0 trước Villarreal, và tiếp đó nối dài mạch thắng lên con số 10, trước khi bước vào trận El Clasico đầu tiên của mùa giải mới, trên sân nhà Bernabeu.

Trong giai đoạn này, Mourinho xoay tua đội hình rất đều tay, trao khá nhiều cơ hội cho cả những Kaka, Varane hay Callejon. Tân binh Fabio Coentrao thì được thử nghiệm ở khá nhiều vị trí, từ hậu vệ trái, hậu vệ phải, tới tiền vệ trái, và thậm chí đôi khi còn được đẩy lên đá trong cặp double-pivot bên cạnh Xabi Alonso. Ramos lần đầu trong mùa giải được kéo vào đá trung vệ ở trận gặp Espanyol, và sau đó đóng đinh luôn vị trí của mình ở đây, chỉ chuyển về đá hậu vệ phải trong một vài dịp nhất định, thường là khi Mourinho muốn xoay vòng lực lượng.

Còn ở đấu trường Champions League, Real Madrid nằm chung bảng D với Ajax, Dinamo Zagreb và Lyon. Họ dễ dàng vượt qua vòng bảng với thành tích toàn thắng, giành trọn 18 điểm, hủy diệt Ajax 3-0 trong cả hai lượt trận, cùng một vài trận thắng ấn tượng khác như 4-0 trước Lyon và 6-2 trước Zagreb.


Vòng 16 La Liga: Real Madrid 1-3 Barcelona (Santiago Bernabeu):

Real Madrid bước vào trận El Clasico đầu tiên của mùa giải La Liga, với hành trang là chuỗi 10 chiến thắng liên tiếp, cùng lợi thế 3 điểm và còn một trận chưa đấu trên BXH. Đây là lần đầu tiên Real Madrid có được lợi thế như vậy trong kỷ nguyên của Pep ở Barca. Những tưởng Mourinho sẽ lựa chọn một cách tiếp cận thận trọng nhằm bảo vệ lợi thế điểm số, nhưng không, vị HLV người Bồ Đào Nha bất ngờ quyết định cho Real chơi đôi công với đội bóng của Pep. Lần đầu tiên ông cố làm vậy, Real thua tan tác 5-0, và đây sẽ là nỗ lực thứ hai. Có lẽ Jose muốn chứng minh cho cả thế giới thấy cán cân quyền lực của Tây Ban Nha đang thực sự chuyển dịch, và lợi thế trên cho phép ông được có chút liều lĩnh.


Trong trận đấu này, hai sự lựa chọn nhân sự khá đáng chú ý của Mou đó là sử dụng Coentrao ở vị trí hậu vệ phải, và xếp Diarra đá chính thay cho Khedira.


Với trường hợp của Coentrao, Mou định sử dụng anh như một inverted fullback khi phòng ngự, vì ông đoán trước được rằng Sanchez sẽ đá bó vào trong, ghim cặp trung vệ để Messi lùi xuống đá như một tiền vệ thứ tư ở half-space phải. Iniesta thì không mấy khi giữ width. Thành thử nhiệm vụ của Coentrao trong trận này chủ yếu là hỗ trợ chắn zone 14, và cover cho cặp trung vệ Pepe - Ramos nếu một trong hai(hoặc là cả hai) có ý định bước lên và truy cản Messi. Coentrao đã làm khá tròn vai nhiệm vụ của mình, ngoại trừ một tình huống tự phá hỏng bẫy việt vị ở bàn thắng đầu tiên của Barca.


Diarra được xếp đá chính một phần là vì Khedira đang hơi tụt form, phần khác là để tận dụng sự cơ động và linh hoạt của anh - thứ sẽ trở nên hữu ích trong một thế trận mở trước Barca. Diarra có khả năng dâng lên sync với pressing line đâu tiên, và sau đó lui về cực kì nhanh chóng để tiếp tục đeo bám Messi. Ngoài ra, trong giai đoạn chuyển trạng thái từ thủ sang công, Diarra có thể tự mình kéo bóng lên phía trước để phát động - điều này Khedira khó có thể đáp ứng được.


Lai nhắc đến câu chuyện muôn thuở trong các trận El Clasico của Mourinho: làm sao để hạn chế tối đa sự đáng sợ của Messi. Trên thực tế, trận này các học trò của ông đã làm khá tốt phần việc trên - ừ thì chết một quả solo, nhưng nhìn chung là tốt. Những con số không hề nói dối: cả trận đấu, Messi tung ra được vỏn vẹn hai cú sút, đi bóng thành công 4/12 lần, “chỉ” tạo ra được 3 keypass(ừ thì…). Nó thường sẽ diễn ra như sau: nếu Messi có bóng ở giữa sân, một trong cặp double pivot sẽ phải lập tức áp sát, hoặc đôi khi là cả Oezil. Người còn lại theo chặt Fabregas, Coentrao man mark Iniesta, và Marcelo cắt đi passing lane tới Alves, chia cắt hoàn toàn Messi khỏi các vệ tinh. Ngay khi Messi tiến gần vào final third, hai trung vệ của Real Madrid sẽ được yêu cầu phải chủ động bước lên và truy cản bằng tất cả sự aggressive trên đời. Như đã trình bày ở trên, sự có mặt của Coentrao cho phép cặp trung vệ của Real có thể thoải mái rời khỏi vị trí. Còn nếu Messi nhận bóng ở between the lines - đơn giản, bỏ qua bước một và hai, bắt đầu từ bước ba thôi.


Real Madrid đã có một khởi đầu như mơ: ngay ở giây thứ 30, Victor Valdes có đường chuyền hỏng cực kì tai hại, để Di Maria cắt được bóng , trực tiếp biếu không cho Real Madrid bàn mở tỉ số. Benzema là người đã lập công.


Không biết là do Real Madrid có bàn thắng sớm hay đây là kế hoạch đã được định ra từ trước, nhưng trong hầu hết thời gian của trận đấu, Barca sẽ sử dụng linh hoạt hai khối đội hình 3511/3133. Back 3 của họ sẽ bao gồm Pique và hai trung vệ lệch Puyol(phải) và Abidal(trái), Alves đẩy cao. Pique sẽ có xu hướng chọn vị trí hơi lệch qua phải, mở khoảng trống cho Busi lui về đá như một half-back ở half-space trái, cho phép Abidal và Puyol dãn rộng ra để làm điểm thoát áp lực. Hai số 8 Cesc Fabregas hoặc/và Xavi sẽ lui về để nhận bóng.


Để đối phó, Jose Mourinho đã đưa ra một khối 4231 high-pressing cực kì aggressive. Di Maria và Benzema sẽ là hai cầu thủ liên tục áp sát & cover shadow cầu thủ đang cầm bóng, còn nhiệm vụ của Ronaldo và Oezil là chọn đúng vị trí cắt đi những passing lane còn lại. Cặp double-pivot của Real Madrid cũng được đẩy lên rất cao, sẵn sàng gây áp lực ngay lập tức lên hai số 8 nếu họ có ý định lui về nhận bóng. Real Madrid cũng đã làm rất tốt việc chia cắt Iniesta và Xavi, khiến nhịp độ chơi bóng của Barca có phần bị lạc nhịp. Ở hiệp hai, Pep đã có sự điều chỉnh, bằng cách kéo Busi lùi sâu hơn nữa ở half-space phải, đưa Cesc lui về và mở ra thêm khoảng trống cho bộ đôi Iniesta - Xavi ở phía trên. Khi bộ đôi này tìm lại được sự liên kết, cũng là lúc Barca dần chiếm lại được thế trận. Iniesta trận này đá gần tựa tựa như vai trò của anh trên tuyển TBN, off-ball cực kì tự do, nửa winger nửa mid.


Puyol ở vị trí trung vệ lệch phải, cùng với sự hỗ trợ của Pique và Alves, đã khiến Ronaldo tắt tiếng hoàn toàn với một màn trình diễn siêu hạng. Mourinho đã cố gắng giải phóng cho CR7 bằng cách yêu cầu Ramos đá dãn rộng ở biên trái, nhằm đẩy Marcelo lên cao hỗ trợ. Tuy nhiên, dù màn trình diễn của Marcelo là tương đối ấn tượng và đẩy lùi được Alves về khá sâu bên phần sân nhà, anh vẫn không thể vớt nổi người bạn thân ra khỏi túi của đội trưởng Barca, đến nỗi ở khoảng 30’ cuối cùng, Mou phải đảo CR7 qua cánh phải.


Tóm lại, nhìn chung thì đây là một trận đấu mà Mourinho đã đưa ra được một chiếc gameplan hết sức chỉn chu, không hề thua kém Pep trong cuộc đấu trí. Chỉ tiếc là, một pha đi bóng qua ba cầu thủ, và một cú dứt điểm đập chân đổi hướng đều không phải là những thứ tính toán trước được. Nếu theo dõi từ phần một, bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng, càng ngày, cách tiếp cận của Mourinho càng chủ động hơn và ít reactive hơn - đây cũng chính là chìa khóa để hạ gục Barcelona của Pep.


“Cả đội ai cũng buồn, nhưng rất bĩnh tĩnh. Chúng tôi biết rõ, dù thắng dù thua, mọi thứ vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát. Ngang điểm, và đá ít hơn một trận” - Mourinho chia sẻ về cuộc đua vô địch sau thất bại. Và các học trò của Mourinho đã phản ứng lại đúng như ông kỳ vọng: họ hủy diệt Sevilla 6-2 ngay trên sân khách, rồi tiếp tục thắng liền 11 trận nữa.

Real Madrid 3-3 Bayern Munich (UCL Semi-final, Pens: 1-3)

Sau khi vượt qua vòng bảng, Real Madrid dễ dàng hạ gục CSKA Moscow 5-2 vòng 16 đội; đè bẹp APOEL 8-2 - kỷ lục vào thời điểm đó về cách biệt lớn nhất ở vòng tứ kết, để đụng độ Bayern Munich. Với cá nhân mình, đây có thể coi là một trong những cặp đấu đỉnh cao nhất trong lịch sử UCL, cả về yếu tố chuyên môn lẫn cảm xúc.


♤ 1st Leg: Real Madrid 1-2 Bayern Munich (17/4/2012, Allianz Arena)

Trận lượt đi diễn ra trên sân nhà Allianz Arena của Bayern. Real Madrid ra sân với sơ đồ 4231, còn với Bayern là 433. Mourinho lựa chọn Coentrao thay vì Marcelo ở vị trí hậu vệ trái, trong khi ở phía bên kia chiến tuyến, Jupp Heynckes lựa chọn Toni Kroos ở vị trí tiền vệ tấn công thay vì Thomas Müller, chơi giống một số 8 hơn là một số 10. Nhiệm vụ của Toni là man mark thật chặt Xabi Alonso - linh hồn trong lối chơi của Real Madrid, cùng với sự hỗ trợ của Gomez để press thật rát và loại bỏ Alonso ra khỏi cuộc chơi. Thật khôi hài khi thấy Kroos - máy đếm nhịp hiện tại của Real Madrid lại đang được giao nhiệm vụ đeo bám một chân cầm nhịp khác của chính Real Madrid. Trước khi chuyển qua phong cách nàng ther mà chúng ta đã quá quen thuộc như bây giờ, thì đã từng có một Toni Crocs đá số 10 trackback về tận cuối đường biên ngang…Nếu mình phải viết scout report về Toni ngày đó, chắc hẳn sẽ không thể thiếu được hai chữ “workrate tốt” - thứ sẽ trông hài cốt vl, nếu đặt ở thời điểm năm 2022.


Mourinho đã cố gắng ứng biến bằng cách kéo Alonso lui về rất sâu khi có bóng, gần ngang với Pepe còn Ramos di chuyển qua vị trí quarterback, nhằm hỗ trợ Alonso điều phối bóng, cũng như thực hiện những đường switch qua cánh phải. Khi này, Schweinsteiger và Kroos sẽ cố gắng cắt đi những lựa chọn chuyền bóng của Alonso, còn Gomez sẽ gây áp lực - tóm lại là cũng không hiệu quả lắm. Điều này buộc Ozil phải lui về rất sâu để hỗ trợ triển khai bóng, khiến impact của anh trên mặt trận tấn công bị suy giảm ít nhiều.


Ý đồ của Mou là tấn công vào vị trí của một Alaba non trẻ: Ozil cũng sẽ chủ động chơi gần hơn với Di Maria ở half-space phải để thực hiện điều này. Tuy nhiên, workrate quá tốt của Ribery đã hỗ trợ cực tốt cho Alaba, và bản thân cầu thủ người Áo cũng đã chơi rất hay. Ở bên phía cánh còn lại cũng là một scenario tương tự: Robben lên công về thủ không biết mệt mỏi, hỗ trợ cực tốt cho Lahm và Boateng trước nỗ lực công phá của Ronaldo, Coentrao và Benzema mỗi khi drift wide. Coentrao trận này đá rất tệ, tỏ ra hoàn toàn vô hại trong tấn công. Điều này cho phép Lahm dâng lên rất thoải mái, đóng góp lớn vào mặt trận tấn công.


Còn trong lúc Bayern build-up, Mourinho cũng đã đưa ra được một khối mid-press đầy ý đồ. Bên phía cánh phải, Ronaldo được yêu cầu cố gắng cắt passing lane tới vị trí của Lahm, chia cắt anh khỏi giai đoạn build-up, và điều này đã có hiệu quả. Ở bên cánh còn lại, ông yêu cầu Arbeloa theo sát Ribery, còn Di Maria và Ozil cố gắng cắt đi các lựa chọn chuyền bóng của Alaba. Mục đích là buộc Alaba phải kéo bóng lên phía trước. Dường như Mou không đánh giá cao Alaba và chờ đợi những sai lầm từ sự non nớt kinh nghiệm của anh. Nhưng một lần nữa, Alaba lại khiến Mourinho thất vọng: số 27 của Bayern có những pha xử lý cực kì tự tin, tạo ra được sự kết nối với Toni Kroos - người sẽ chủ động lui về half-space trái để hỗ trợ, và đánh sập hoàn toàn pressing trap của Jose.

Hiểu rõ sự nguy hiểm của cặp cánh Robbery, Mourinho yêu cầu Arbeloa và Coentrao man mark thật chặt bộ đôi này, thậm chí theo cả sang phần sân của Bayern, hòng khóa đi hai mũi công chính của họ. Tuy vậy, sự hỗ trợ đắc lực của cặp fullback, nhất là Lahm, khiến Bayern vẫn tỏ ra hết sức sát thương trong những tình huống tấn công biên, cộng hưởng với cả những cú early cross của Toni Kroos từ hai half-space.


Tóm lại, trận lượt đi là một màn trình diễn giằng co và chặt chẽ của cả hai đội, một trận đấu hay - ít nhất là về mặt chiến thuật. Nỗ lực khai thác vào vị trí của Alaba đã không phát huy tác dụng, và có thể nói Real Madrid đã thua vì work-rate của Bayern quá tốt của Bayern. 1-2 không phải là một kết quả quá tệ trên sân khách, và Real Madrid có quyền hy vọng ở trận lượt về trên thánh địa Bernabeu.


♤ 2nd Leg: Real Madrid 2-1 Bayern (25/4/2012, Santiago Bernabeu, Pens: 1-3)

Real Madrid bước vào trận lượt về với sự tự tin cao độ sau chiến thắng mang tính định đoạt mùa giải trên sân Nou Camp, gia tăng khoảng cách điểm số lên con số 7 và gần như cầm chắc trong tay ngôi vô địch La Liga.


“Các cầu thủ đều tỏ ra hết sức hào hứng, hệt như đội Inter Milan của tôi khi đối đầu Barcelona năm kia vậy. Vấn đề không phải là tuổi tác, mà là vì đây là UEFA Champions League. Họ muốn giành chiến thắng ở đây.


Những trải nghiệm ở Madrid đã giúp tôi hoàn thiện mình với tư cách một HLV. Chúng tôi có thể giành được hai danh hiệu, một danh hiệu, hoặc chẳng giành được gì. Đó là sự hấp dẫn của bóng đá, và có lẽ đó mới là thứ đang khiến tóc tôi bạc đi.” - Mourinho bộc bạchtrong buổi họp báo trước trận lượt về.


Mourinho chỉ có một sự thay đổi trong đội hình xuất phát: Marcelo thay thế cho Coentrao, người đã chơi rất tệ ở trận lượt đi. Khả năng leo biên của Marcelo sẽ cho phép Ronaldo đá bó sát hơn vào trung lộ, nhằm gia tăng sức công phá trong bối cảnh Real Madrid đang ở trong thế rượt đuổi. Marcelo đã có một trận đấu xuất sắc, với những tình huống đi bóng mạnh mẽ, gây rối loạn khối đội hình của Bayern Munich - anh thực hiện thành công tới 7/8 pha đi bóng qua người.


Với lợi thế sân nhà, Real Madrid đẩy cao khối đội hình lên để pressing. Bayern Munich tỏ rõ sự lúng túng, với những pha xử lý khá lập bập và những cú phất dài liên tiếp - hầu hết trong số đó đều bị cặp double-pivot của Real Madrid giải quyết gọn lẹ. Ngay ở phút thứ 4, Real Madrid đã được hưởng một quả phạt đền, sau khi Di Maria sút bóng đập trúng tay của Alaba. 1-0.


Khá khó hiểu khi mà trong khoảng 20’ đầu tiên, Bayern lại cho phép Alonso chơi bóng hết sức thoải mái - chính điều này đã giúp cho Real có được một thế trận có thể nói là vượt trội.


Bayern Munich tạo ra được một vài cơ hội, một trong số đó là từ nỗ lực cá nhân của Alaba - cầu thủ người Áo cướp bóng ngay trong chân của Di Maria, vượt qua 3 cầu thủ Real Madrid rồi căng ngang vào cho Robben, đáng tiếc là không chiến thắng được thủ môn Casillas ở một cự ly gần. Tuy nhiên, khi họ vẫn chưa thể tìm được bàn thắng san hòa, thì Ronaldo, nhận đường chọc khe của Ozil, thoát xuống đối mặt với Neuer và ghi bàn nâng tỉ số lên 2-0. Các khán đài Bernabeu nổ tung. Cảm tưởng như chẳng còn điều gì có thể ngăn Real Madrid tiến đến trận chung kết nữa.


Việc Real Madrid sử dụng Benzema và Ronaldo như một cặp tiền đạo đã khiến backline của Bayern bị đè xuống rất sâu. Điều này thể hiện ngay trong bàn thắng thứ hai: Bayern đẩy đội hình lên gây áp lực, nhưng hàng thủ vẫn sit deep. ĐIều này khiến cho khu vực between the lines của họ trở nên quá trống trải, để cho Ozil có thể thoải mái nhận và xử lý bóng. Benzema di chuyển đầy thông minh, kéo theo Badstuber và mở ra khoảng trống cho Ronaldo. Đây là điều mà tiền đạo người Pháp luôn cố gắng thực hiện xuyên suốt trận đấu: lôi kéo hàng thủ đối phương với những bước di chuyển của mình, để cho Ronaldo được sút.


Tuy nhiên, công bằng mà nói, Ronaldo trận này khá tham sút - anh tung ra tới 10 nỗ lực dứt điểm, chiếm tới 2/3 tổng số cú sút của cả đội, nhưng lại có tới 6 cú sút xa. Điều này khiến cho một vài pha xử lý của số 7 chưa thực sự tối ưu. Dường như sự hưng phấn từ hai bàn thắng đã thôi thúc CR7 tung ra những quả đá từ những góc sút khá khó, trong khi lẽ ra anh phải để ý các vệ tinh xung quanh hơn một chút. Nhất là với tính chất của một trận knock-out, nơi các cơ hội cần phải được chắt chiu hết mức có thể.


Phút 26, Pepe đẩy ngã Mario Gomez trong vòng cấm. Robben bước lên, thực hiện thành công quả phạt đền và kéo trận đấu lại với Bayern. Sang đến hiệp hai, cả hai HLV đều lựa chọn một cách tiếp cận thận trọng. Jupp Heynckes đã có những sự điều chỉnh đế tránh cho cặp đôi Badstuber - Boeteng phải đối đầu trực tiếp với CR7 và Benzema, bằng cách kéo 1 trong hai fullback vào, hoặc Gustavo, để tạo lợi thế 3v2. Mourinho sau đó đưa vào sân Kaka ở phút 75, Higuain ở phút 106 nhằm làm mới hàng công, nhưng không đem lại hiệu quả. Tỉ số được giữ nguyên tới hết hai hiệp phụ, và hai đội bước vào loạt đá luân lưu.


Alaba bước lên, đá trái bóng dứt khoát vào góc phải khung thành. 1-0


Ronaldo lần thứ hai đối đầu với Neuer trên chấm 11m, và lần này Neuer là người chiến thắng. 1-0


Gomez, vào góc trái. 2-0.


Kaka thất bại với một kịch bản y hệt Cristiano. 2-0


Casillas níu lại hy vọng cho Real Madrid, đẩy thành công quả đá của Kroos. 2-0


Alonso nhẹ nhàng đưa bóng vào chính giữa khung thành. 2-1


Casillas tiếp tục thể hiện sự xuất sắc trên chấm 11m, đánh bại đội trưởng Bayern, Phillip Lahm. Các khán đài Bernabeu vỡ òa trong niềm vui…


…và rồi chết lặng, sau khi Ramos đưa quả bóng lên thẳng mặt trăng trong lượt đá của mình. Schweinsteiger sau đó lạnh lùng kết liễu đội bóng của Jose, đưa Bayern vào chung kết.


Ở ngoài đường biên, người ta bắt gặp được hình ảnh Mourinho quỳ thụp xuống sân với gương mặt thẫn thờ. Ba siêu sao, đều là những chân sút phạt đền cự phách, lại cùng nhau đá hỏng.


Trong một buổi phỏng vấn với Marca, 8 năm sau màn đấu súng, Mourinho chia sẻ rằng đó là lần duy nhất ông rơi nước mắt sau một thất bại:


“Trong cả sự nghiệp huấn luyện, đó là lần duy nhất tôi rơi nước mắt sau một thất bại.

Tôi vẫn còn nhớ khá rõ…Aitor Karanka và tôi dừng xe trước cửa nhà, và khóc như những đứa trẻ. Thật khó để nuốt trôi, vì mùa giải năm đó, chúng tôi là đội bóng xuất sắc nhất châu Âu. Nếu có thể tiến vào chung kết, tôi tin chắc đội bóng của mình sẽ giành danh hiệu.


Càng cay đắng hơn khi Ramos, Ronaldo và Kaka cùng đá hỏng phạt đền. Họ là những quái kiệt, những cầu thủ xuất sắc nhất trên chấm luân lưu. Những chàng trai bình thường chẳng bao giờ đá hỏng, lại cùng nhau thất bại trên chấm 11m. Điều này thực sự khó tin, cơ mà bóng đá là vậy đấy.”


“Unfortunately, that is football.”

Vòng 35 La Liga: Real Madrid 2-1 Barcelona (Camp Nou): THIS, IS HERITAGE

“We went to Camp Nou, knowing we were the better team”


Real Madrid bước vào trận đấu mang tính then chốt của mùa giải, với cách biệt 4 điểm. Thực tế thì mùa giải đó còn hai trận El Clasico nữa - hai đội đụng nhau ở bán kết Copa del Rey, kết thúc với chiến thắng 4-3 chung cuộc cho Barca sau hai lượt trận. Nhưng xét về tính chất, trận đấu này chắc chắn là vượt xa về mức độ quan trọng. Nếu Real thua, cuộc đua vô địch sẽ được hâm nóng trở lại, còn chỉ cần họ không thuathì coi như đã chạm một tay vào chức vô địch, khi mùa giải chỉ còn đúng ba vòng.


Trận đấu này gần như là tổng kết của tất cả những nỗ lực trước đó của Mourinho trong công cuộc lật đổ đế chế của Pep Guardiola. Pep lần này tiếp tục đưa ra một cách bố trí nhân sự đầy bất ngờ khác. Đầu tiên, Cristian Tello, cầu thủ trẻ chỉ thi thoảng được trao cơ hội, lại bất ngờ được điền tên vào đội hình xuất phát, với việc David Villa gặp chấn thương. Anh được giao nhiệm vụ giữ chiều ngang sân bên hành lang cánh trái. Xavi và Busi đều được đẩy lên cao hơn thường lệ: thay vì đá như một half-back, Busquets được đẩy lên chơi như một phần của cặp double-pivot cùng với Thiago, với một tầm hoạt động rộng hơn. Trong khi đó, Xavi đá như một…mezzela ở half-space phải, với Iniesta ở half-space còn lại. Mục đích là để di chuyển vào những khoảng trống mà Messi sẽ bỏ lại, ghim cặp trung vệ xuống. Lý do Xavi được giao vai trò này là vì Fabregas đang tụt form thảm hại trong khoảng thời gian đó. Khối đội hình của Barcelona sẽ trở thành một dạng 3223, với Alves trong vài trò winger phải. Cơ mà bắt Xavi chơi trong vai trò này dường như lại không phải là một ý tưởng hay: anh tỏ ra khá chật vật và lạc lõng giữa khối thủ của Real Madrid ở final third, liên tục bị Ramos kê lưng, khiến Barca gần như không có người ở trung lộ.


Còn đây là bí kíp shut down Lionel Messi và dismantle Tiqui-taka của môn phái Jose Mourinho, bản đầy đủ:


Trong giai đoạn build-up của Barca, bộ đôi Benzema và Ronaldo sẽ chọn vị trí để chắn các passing lane chéo vào trung lộ, trong khi Ozil sẽ tuỳ tình huống áp sát Busquets. Real không đá quá aggressive trong trận này, vì với họ một kết quả hoà là đủ. Điều này buộc Alves phải lui về làm điển thoát áp lực, hoặc Thiago lui về hỗ trợ triển khai bóng - cả hai phương án đều sẽ khiến khối đội hình của Barca bị đẩy lùi về sau.


High backline & sự chủ động từ cặp trung vệ: Ngay sau khi Barca vượt qua được lớp áp lực đầu tiên, cặp trung vệ của Real Madrid, gồm Sergio Ramos và Pepe, phải luôn sẵn sàng bước lên truy cản Lionel Messi mỗi khi cầu thủ người Argentina chuẩn bị nhận bóng ở khu vực between the lines, đặc biệt là Ramos. Đây là phần quan trọng nhất, như Sir Alex Ferguson đã từng chỉ ra. Ramos sẵn sàng bỏ vị trí dâng lên tới tận phần sân của Barcelona và để can thiệp, và bộ kỹ năng của Ramos cho phép anh làm có thể làm như vậy: từ óc phán đoán, sức mạnh thể chất, kỹ năng tắc bóng, sự nhanh nhạy…Ngoài ra, Real Madrid cũng đã sử dụng rất tốt bẫy việt vị trong trận này, cho phép họ đẩy khối thủ lên cao hơn.


Điều này sẽ buộc Messi phải nhận bóng ở ngoài khối thủ của Real Madrid, thường là lệch về half-space phải. Khi này, nhiệm vụ của các cầu thủ của Real Madrid là chia cắt anh khỏi các vệ tinh. Cụ thể:


•Coentrao theo sát Alves, Arbeloa theo Tello. Arbeloa, như đã chỉ ra ở rất nhiều trận Clasico trước, luôn phải sẵn sàng bước lên cắt những đường killer pass chéo sang half-space phải của El Pulga. Còn nếu Adriano/Puyol dâng cao, Benzema, Ozil và Di Maria sẽ chia nhau hỗ trợ hai fullback.


•Khedira man mark/ cắt passing lane tới vị trí của Iniesta. Thực tế, Khedira đã làm quá tốt điều này - ngay cả khi dâng lên engage, anh vẫn luôn chú ý đặt Iniesta dưới tầm cover shadow. Điều này buộc Iniesta phải dạt ra rất gần với đường biên, từ đó đánh mất liên kết với Xavi. Một khi chia cắt được Iniesta và Xavi, Tiqui-taka WILL fall.


•Xavi kẹt giữa đội hình của Real Madrid


Sau đó, Xabi Alonso sẽ là người đầu tiên dâng lên gây áp lực với Messi. Mục đích là cắt passing lane tới vị trí của Alves. Coentrao cũng phải định hướng cơ thể sao cho vừa để ý được Alves, vừa sẵn sàng cover cho Alonso khi cần. Trận này Coentrao đá rất tốt.


Nếu Messi rẽ trái bóng qua cái chân trái sở trường, cả hai lựa chọn chuyền bóng tới Tello và Ini sẽ đều đã bị cắt hết. Nói cách khác, Real Madrid buộc Messi phải rê, từ đây phần việc là của hai trung vệ. Tactical fouls rất nhiều, thẻ vàng cũng vài cái, nhưng quan trọng là ma thuật của Messi đã biến mất: anh chỉ tung ra được duy nhất một cú sút, và một lần hiếm hoi tạo ra cơ hội ăn bàn cho Xavi.


Bàn thắng sớm giúp Real Madrid càng dễ đá hơn. Barca tỏ ra bế tắc trong phần lớn thời gian của trận đấu, và sau khi Ozil tung ra “pha kiến tạo của mùa giải” cho Cristiano Ronaldo thoát xuống đánh bại Valdes - chỉ vài phút sau khi Sanchez gỡ hoà, họ biết họ đã làm được.


“¡Calma, calma!” - Ronaldo khiến cả Camp Nou câm lặng với màn ăn mừng kinh điển và đầy ngạo nghễ của mình. Sau khi trận đấu kết thúc, các cầu thủ Madrid liền chạy ra ăn mừng với người hâm mộ. Pepe hôn lên chiếc logo trên ngực trái, trong khi Casillas đi tới và an ủi những người đồng đội ở tuyển Tây Ban Nha phía bên kia chiến tuyến.


“...Hơn cả chức vô địch giải quốc nội, chiến thắng này còn là một sự giải tỏa” - ký giả Sid Lowe nhận xét trong cuốn “Fear and Loathing in La Liga”, “Thực tế thì với một kết quả hòa, Real Madrid nhiều khả năng vẫn sẽ vô địch La Liga thôi, nhưng hẳn họ sẽ ít nhiều cảm thấy có gì đó…thiếu thiếu, kiểu không đúng lắm. Thay vào đó, sau chiến thắng này, có cảm tưởng như Real Madrid đã giành lại mọi thứ từ tay của Barcelona, từ tay của Pep Guardiola, và bây giờ đã đến thời của họ. Ronaldo lần đầu giành chiến thắng ở Camp Nou, Mourinho lần đầu giành chiến thắng ở Camp Nou, Real Madrid lần đầu giành chiến thắng ở Camp Nou sau 4 năm. Người Madrid không còn phải sợ hãi, không còn phải cúi đầu trước Barcelona nữa…”


Trong lúc chờ đợi các cầu thủ trở về Madrid ở sân bay Barajas, các Madridista không bỏ qua cơ hội mỉa mai Gerard Pique: “¿Dónde está? No se ve, la manita del Pique? (Tay mày đâu rồi, Pique? Giơ cái bàn tay lên chúng tao xem nào?)


Một vài tuần sau đó, Pep từ chức. Với cá nhân Mourinho, người từng mỉa mai rằng “Pep nên được trao hợp đồng 50 năm đi là vừa”, đây hẳn nên được coi là một chiến thắng đầy ngọt ngào về mặt cá nhân. Mourinho đã thắng, đế chế của Pep Guardiola đã thực sự kết thúc...


1 Comment


Tuan Phuc
Sep 14, 2022

Tuyệt vời

Like
bottom of page