top of page

EL CASO ATLETICO

  • Writer: Meringue Rimadora
    Meringue Rimadora
  • Jan 2, 2023
  • 7 min read

Hay câu chuyện về cách mà Atletico Madrid đã bị cướp khỏi tay người hâm mộ.


Làm sao một người có thể cướp trắng một Câu lạc bộ bóng đá, rồi thậm chí bị bắt(vài lần!), mà sau cùng vẫn được giữ nó?


Hãy cùng nhau tìm hiểu cách một tay lừa đảo, một kẻ tôn thờ Jesus, Franco và Che Guevara, đã lách luật để cướp trắng một câu lạc bộ mà không chịu bất kỳ hậu quả gì. Hơi dài đấy, nên chịu khó nhé; chắc chắn là không phí thời gian của mọi người đâu.


Năm 1987, vị Chủ tịch lâu năm của câu lạc bộ, Vicente Caldéron, đột ngột qua đời, tạo tiền đề cho một chuỗi những sự kiện mở ra ngay sau đó. Dĩ, người ta tiến hành bầu cử ngay lập tức. Jesús Gil, một tay trùm bất động sản, nhận thấy đây là cơ hội lớn để mở rộng hoạt động làm ăn và tăng sức ảnh hưởng chính trị. Gregorio Jesús Gil y Gil, cha của Miguel Ángel Gil Marín (hiện là CEO của Atlético Madrid), đã có tiền án do chịu trách nhiệm trong vụ sập mái một tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng được xây bởi công ty của ông ta, gây hậu quả là khiến 59 người thiệt mạng. Gregorio sau đó được Franco ân xá sau 18 tháng bị giam.

Vụ việc này cũng không ngăn ông ta trở thành vị chủ tịch thứ 28 của câu lạc bộ, bởi Jesús đã chiêu mộ thành công ngôi sao người Bồ Đào Nha Paulo Futre ở ngay trong câu lạc bộ đêm Jacara, chỉ hai đêm ngay trước cuộc bầu cử. Paulo Futre lúc đó là tâm điểm của sự chú ý - một chân chạy cánh 21 tuổi vừa đưa Porto tới chức vô địch C1.  Không nằm ngoài dự đoán, Gil giành chiến thắng tuyệt đối nhờ bản hợp đồng bom tấn của Futre. (Happy Spain!) Huề cả làng.

“Ông cứ việc quẳng mấy cái hòm phiếu xuống sông, vì đây sẽ là lần cuối cùng cái CLB này tiến hành bầu cử”, ông ta nói như vậy với mấy tay quản lý bầu cử ngay ngày sau.


Gil điều hành CLB một cách hết sức cứng rắn và độc đoán: ông ta đã trảm tới hơn 40 HLV chỉ trong vòng 17 năm, bao gồm những Cesar Luis Menotti, Ron Atkinson, Javier Clemente và thậm chí còn đá cả vị HLV huyền thoại Luis Aragones khỏi CLB.


Nhiệm kỳ chủ tịch của Gil ngập tràn những tai tiếng. Ví dụ, gã ta đã nói thế này về trọng tài Michel Vautrot sau khi Atlético thua một trận đấu: “Thằng cha đó bị bê đê. Tôi biết chắc là sau khi chúng tôi đã chắc suất bị loại khỏi UEFA Cup, mấy thằng người Ý sẽ kiếm cho hắn một thằng bé tóc vàng mắt xanh.”


Nói thế chắc các bạn cũng hình dung được rồi. Trong mớ tiếng xấu của gã, kể ra còn có:

  • bình luận phân biệt chủng tộc

  • mâu thuẫn với các chủ tịch khác

  • biển thủ

  • kỳ thì người đồng tính


Kể ra hết những trò hề của Gil ra thì cũng thú đấy, nhưng ta hãy để việc đó cho dịp khác.


Năm 1990, do cung cách quản lý tài chính yếu kém của các CLB thể thao thời đó, Quốc hội Tây Ban Nha đã thông qua ‘Ley del Deporte’ (Luật Thể thao) nhằm điều chỉnh cấu trúc pháp lý của các CLB.  Theo đó, bất kỳ CLB bóng đá hoặc bóng rổ nào không thể chứng minh được khả năng tài chính, cụ thể là sở hữu báo cáo tài chính dương trong tất cả năm tài khoá kể từ 1985-1986 đến 1988-89 theo điều khoản bổ sung thứ bảy sẽ phải chuyển đổi sang mô hình S.A.D(Sociedad Anómina Deportiva), tương tự với một công ty trách nhiệm hữu hạn. Real, Athletic, Osasuna được tính vào dạng ‘không lo nợ xấu’ nên được giữ lại mô hình sở hữu hội viên socios. Còn Atletico, khoản nợ khổng lồ đã khiến CLB suýt chút nữa đã phải tự động xuống hạng ở mùa giải 1992-93, trong trường hợp Gil không kiếm đâu ra một khoản 12 triệu euro để đảm bảo cho khả năng thanh toán dài hạn của CLB trước 1/7.


Tuy nhiên, các ‘socio’ cũng chỉ quyên góp được cùng lắm là khoảng €500k. May mà Jesus Gil và Cerezo đã khéo léo xoay sở được vào phút chót, thông báo rằng họ sẽ bù khoản tiền còn lại bằng tiền quỹ ‘của’ họ. Sau cùng thì hai gã này đã nắm được 94,5% cổ phần, chừa 4,5% còn lại cho các ‘socio’.


Cơ mà chỗ tiền quỹ của 2 ông là từ một khoản bảo lãnh ngân hàng do Dorna, phụ trách bộ phận thể thao của ngân hàng Banesto, đưa cho (cả thảy đúng €12M), và được chính tay Mario Conde, giám đốc ngân hàng đương nhiệm, ký xác nhận. (Được vầy cũng nhờ ơn chủ tịch Ramon Mendez của hàng xóm Real Madrid nói giúp).


Và thế là Liên đoàn cũng xác nhận công cuộc chuyển đổi sang mô hình S.A.D của Atlético Madrid, với Gil (nắm 60%) và Cerezo (nắm 30%) là chủ sở hữu CLB. Cơ mà trên thực tế, khoản tiền kia chưa bao giờ rời ngân hàng cả - Gil và Cerezo đã rút bảo lãnh chỉ vài ngày sau đó.


Nắm quyền sở hữu câu lạc bộ mà không phải chi ra dù chỉ một đồng; gần như được biếu không 90% cổ phần! Chả ai để ý tới chiêu trò này, cho tới khi…


Các nhà điều tra bắt đầu soi ra những dấu hiệu gian lận và Tòa bắt đầu tiến hành truy tố năm 1999. Trong nhiều tháng liền, Jesús Gil và bộ sậu bị Tòa miễn khỏi quyền điều hành CLB. Cơ mà triều đại tham ô của Gil vốn đã bắt đầu ngay sau khi ông ta thâu tóm CLB rồi.


Gil đột ngột quyết định giải thể hệ thống các đội trẻ của Atletico như là 1 biện pháp cắt giảm chi phí. Điều này khiến hàng tá cầu thủ trẻ rơi vào cảnh bơ vơ bất định; nhiều người trong số đó sở hữu tài năng thiên phú, tiêu biểu nhất là Raúl González - một Colchonero (biệt danh của các cầu thủ Atletico) sống chết vì CLB và là đội trưởng U-14. Phần còn lại, như người ta vẫn nói, là lịch sử. Raul đầu quân cho đội bóng kình địch Real Madrid và trở thành một trong những chân sút xuất sắc nhất lịch sử của họ.

Raul Gonzalez ở đội U14 Atletico


Nữa nè, còn ai nhớ cái quảng cáo Marbella in trên áo Atletico Madrid hồi nào không?


Năm 1999, Gil bị bắt trong một vụ “Jerseygate” - hợp đồng tài trợ ký với Atlético thực chất nhằm đền bù cho €3M biển thủ từ chính quyền thành phố Marbella. Kết cụC, Gil bị cấm khỏi các hoạt động điều hành công vụ trong 28 năm và bị quản thúc tại gia trong 6 tháng, nhưng đó là SAU KHI Tòa án tối cao thông qua hình phạt, tức là tận HAI NĂM sau đấy. Rubí được bổ nhiệm làm Chủ tịch tạm quyền thay thế cho Gil, và điều đó đã gây ảnh hưởng tới cả phòng thay đồ. Mỗi cầu thủ Atletico kiếm được hàng trăm triệu, nhưng thực chất trên hợp đồng thì họ chỉ được nhận đến vài trăm nghìn thôi. Số tiền còn lại hẳn từ trên trời rơi xuống rồi.


Một ngày nọ, anh ta (Rubí) đến phòng thay đồ và nói: “Tôi sẽ trả các cậu theo đúng những gì trên hợp đồng. Ai muốn ý kiến gì thì nói luôn đi.” Các cầu thủ không thể bật lại Rubi, bởi họ biết tay họ đã nhúng chàm, nhưng họ có thể làm điều đó trong sân bóng. Theo lời Rubí, Jesús Gil đã lệnh cho đội phải thua, chừng nào ông ta vẫn bị giữ tránh xa khỏi CLB.


Tòa án quyết định trao trả cả CLB và quyền hành cho Gil vào trung tuần tháng tư, chỉ vài tuần trước cái viễn cảnh đã không xảy ra là Atlético sẽ phải xuống đá hạng nhì. Cuộc điều tra vẫn còn tiếp tục được tiến hành sau đó.


Ngày 14/2/2003, Tòa án Quốc gia khép các bị cáo vào tội chiếm đoạt và lừa đảo.


Gil và Cerezo phải chịu trách nhiệm cho chiếm giữ trái phép 236,056 cổ phiếu của CLB, nhưng thời hạn pháp lý (5 năm) đã hết thời điểm vụ này đến được tới tòa, 7 năm sau vụ chuyển đổi nên…yeah, đồ không phải của các ông vẫn thuộc về các ông.


Jesús Gil chết năm 2004 và chỗ cổ phần phi pháp được truyền lại cho ông con Gil Marín, người đến bây giờ vẫn đang vận hành CLB ngon lành. 2 tháng sau, nhà Gil bị cáo buộc ăn chặn của CLB €16.2M trong thương vụ mua 4 cầu thủ vô giá trị. Kể từ đó, Miguel Ángel (Gil Marín) chưa hề hoàn lại số tiền còn nợ, cũng không phải xộ khám năm rưỡi như bị tuyên án. Phán quyết về quyền sở hữu của Tòa án Tối cao cũng gây ra nhiều tranh cãi. Biết làm sao được, các tòa án Tây Ban Nha nói chung nổi tiếng là bị chính trị hóa mà.


Chốt lại thì, thế quái nào bọn trời đánh thánh vật kia vẫn không phải chịu luật hoa quả? Đó có lẽ là nhờ việc cả Gil và Cerezo đều có quan hệ thân mật với Đảng Nhân dân Tây Ban Nha (Partido Popular), một đảng cánh hữu truyền thống điều hành đất nước từ 1996 đến 2004.


Gil Marín “kiếm bộn tiền như một tiền đạo ghi 20 bàn một mùa” từ Atlético de Madrid.

Enrique Cerezo (Chủ tịch) và Miguel Ángel Gil Marín (CEO) vẫn giữ vai trò chủ sở hữu điều hành CLB, xếp hạng lần lượt 209 và 52 những người giàu nhất xứ sở bò tót (Forbes).


Señales de Humo (Hiệp hội Khói Hiệu, 1 tổ chức phi lợi nhuận của người hâm mộ và cổ động viên Atlético) vẫn kiên trì đấu tranh bất chấp vị thế tuyệt đối của các ông chủ Atlético. Năm 2012, Señales đã đạt được một chiến thắng pháp lý quan trọng, khiến Tòa án Tối cao thừa nhận đã “bơ đẹp” vụ cướp trắng trợn này.  


(Dịch từ một thread của @Atletico_Fra)

Commentaires


bottom of page