top of page

PHÂN TÍCH MÔ HÌNH VẬN HÀNH HỘI VIÊN SOCIOS: CURE OR CURSE?

  • Writer: Nguyễn Hữu Trung
    Nguyễn Hữu Trung
  • Aug 20, 2022
  • 4 min read

(30/7/2022)


(Bài viết theo order, có tham khảo “The Real Madrid Way” của Steven G. Mandis và “Cure or Curse: Socio Club Ownerships in Spanish La Liga” của Khalid Khan.) Đây sẽ là một cái nhìn ngắn gọn và tổng quan về mô hình hội viên Socios.


Trước hết sẽ là nói sơ qua về cách thức mà mô hình Socios vận hành. Socios là một mô hình vận hành đã xuất hiện ở Tây Ban Nha từ tận những năm đầu của thế kỷ 20, khi những CLB bóng đá chuyên nghiệp mới bắt đầu được thành lập. Các Socio là những hội viên chính thức của CLB và sẽ sở hữu nhiều quyền lợi, bao gồm quyền bầu cử Chủ tịch và Hội đồng Quản trị. Hội viên được xét nhận tuỳ theo chính sách riêng của mỗi CLB, ví dụ như ở Real Madrid là được hai thành viên khác tiến cử.(năm 2011 đã thêm yêu cầu về quan hệ huyết thống, do tình trạng quá tải đơn đăng kí)Tóm lại, đây là một cấu trúc sở hữu 100% thuộc về cộng đồng và hoàn toàn phi lợi nhuận.


Tính đến trước năm 1990, gần như mọi CLB ở Tây Ban Nha đều đang áp dụng mô hình Socios. Tuy nhiên, cung cách quản lý tài chính của các CLB thời đó là hết sức yếu kém: nợ nần chồng chất, mua sắm cầu thủ ồ ạt. Tình trạng này buộc Chính phủ Tây Ban Nha phải ban hành Ley 10/1990, nhằm điều chỉnh cấu trúc pháp lý của các CLB. Bộ luật này quy định bất kỳ CLB bóng đá hoặc bóng rổ nào không thể chứng minh được khả năng tài chính, cụ thể là sở hữu báo cáo tài chính dương trong tất cả năm tài khoá kể từ 1985-1986 đến 1988-89 theo điều khoản bổ sung thứ bảy sẽ phải chuyển đổi sang mô hình S.A.D(Sociedad Anómina Deportiva), tương tự với một công ty trách nhiệm hữu hạn. Kết quả, chỉ còn bốn CLB Real Madrid, Barcelona, Athletic Bilbao và Osasuna là vẫn được phép duy trì mô hình hội viên Socios hiện hành.


Vậy, đâu là những ưu điểm của mô hình Socios? Như đã nói ở trên, một Socios-owned club sẽ hoàn toàn thuộc về người hâm mộ. Điều này sẽ giúp gia tăng sự gắn kết và gần gũi giữa CLB với cộng đồng; CLB sẽ luôn hướng đến phản ánh những giá trị, khát khao và kỳ vọng của người hâm mộ - từ đó thiết lập một sợi dây liên kết hết sức bền chặt. Điều này lại càng cần thiết hơn ở một quốc gia có tính địa phương cao như Tây Ban Nha. Lúc này, người ta yêu CLB vì CLB là chính họ. Còn xét từ khía cạnh tài chính, vì là một tổ chức phi lợi nhuận, các CLB Socios-owned sẽ được hưởng các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp từ các ngân hàng, cũng như hưởng một mức thuế ưu đãi. Có thể tóm gọn trong hai từ “bền vững” và “ổn định”.


Bên cạnh nhưng mặt lợi kể trên, mô hình Socios cũng tồn tại rất nhiều điểm hạn chế. Cái bất lợi đầu tiên là với việc không có một ông chủ, tập đoàn hay tỷ phú nào sẵn sàng bơm tiền túi hoặc giải quyết các khoản nợ khi cần, các CLB sẽ buộc phải xoay sở để tìm kiếm một mô hình kinh tế - thể thao bền vững. Họ cũng không thể bán cổ phần thiểu số như các CLB áp dụng mô hình 50+1 ở Đức, mà chỉ có thể tự làm tự ăn trên các nguồn doanh thu sẵn có trong mọi trường hợp, bao gồm match-day, bản quyền truyền hình và các mảng thương mại khác - một mô hình hoàn toàn khép kín. Và vì là một mô hình khép kín, bất kỳ mắt xích nào sụp đổ đều có thể khiến CLB lâm vào tình cảnh khó khăn - như vừa rồi là đại dịch COVID-19. Điều này cũng khiến họ thất thế trước những đội bóng được nhà nước chống lưng như PSG về mặt đường dài. Nó lý giải một phần động lực thúc đẩy Perez và Laporta persist đến thế với Super League, vì đây là một giải đấu với các quy định chặt chẽ về trần lương và quỹ lương - see, they are not mad at all, they are just ahead of the curve.


Tiếp đến, như đã nêu ở trên, các Socios-owned club áp dụng hình thức bầu cử Chủ tịch. Bản chất của nó là chính trị, và chính trị thì luôn tồn tại những mặt tiêu cực - đơn cử như vụ bê bối truyền thông của Bartomeu hồi hè 2021. Các ứng viên cũng có thể tìm cách đưa ra những hứa hẹn trông có vẻ có lợi về ngắn hạn nhưng cực hại về dài hạn(ừm), hoặc tìm cách để tô hồng tình trạng tài chính, che giấu các vấn đề hoặc hy sinh tương lai để đầu tư cho hiên tại, và một khi Chủ tịch đã lên nắm quyền, không có cách nào để có thể thay thế họ giữa nhiệm kỳ cả. Việc bầu cử chủ tịch định kỳ cũng khiến các đội gặp đôi chút khó khăn trong tìm kiếm những nguồn vốn dài hạn, do nhà đầu tư khó có thể nắm bắt được những chính sách/chiến lược của CLB trong những đời chủ tịch sau.


Tổng kết lại, mô hình Socios sẽ đảm bảo CLB sẽ hoàn toàn thuộc về người hâm mộ, phục vụ những ưu tiên của người hâm mộ và phản chiếu những giá trị mà người hâm mộ kỳ vọng. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, về đường dài mô hình Socios tồn tại rất nhiều những bất lợi, đặc biệt là ở khía cạnh kinh tế. Vì vậy, những CLB như Real Madrid hay Barcelona đúng là too big to fail thật đấy, nhưng cái người ta lo ngại không hẳn là nguy cơ phá sản, mà là nguy cơ đánh mất đi mô hình Socios-owned, thứ tạo nên bản sắc và định hình nên văn hoá riêng của những CLB này cơ. Nếu Super League thất bại, mình sẽ không ngạc nhiên đâu, nếu một trong hai gã khổng lồ đến một lúc nào đó sẽ phải chấp nhận thoả hiệp và chuyển dần sang một mô hình như của người Đức…




Comments


bottom of page