Mourinhistas
- Meringue Rimadora
- Feb 7, 2023
- 4 min read

Trong bộ từ điển của Madrid, có hai từ khóa cần phải lưu ý: “señorío” - “đẳng cấp” và “Madridismo” - “tinh thần của người Madrid”. Chúng là những giá trị cốt lõi định hình nên văn hóa và bản sắc của CLB. Và rồi, Mourinho xuất hiện, thách thức bản chất của cả hai giá trị trên.
Albert Ravira, một cựu thành viên của La Fabrica, sau một trận đấu giữa Gijon và Real Madrid, đã phải thốt lên: “Đây không phải những giá trị tôi đã được dạy khi còn ở Madrid”.
Trong buổi lễ kỷ niệm 100 năm thành lập CLB Real Madrid, Chủ tịch Florentino Perez từng phát cho mỗi
Z cầu thủ một cuốn sách nhỏ, có chứa lời tuyên thệ về giá trị văn hóa của CLB - những thứ mà ông đã ấp ủ từ rất lâu trước khi lên nhậm chức chủ tịch, với những phần quan trọng được viết in hoa và in đậm. Trong đó khẳng định: “Chúng ta là một đội bóng của những chiến thắng, nhưng đồng thời, đó phải là những chiến thắng đẹp. Khi Real Madrid thua, cầu thủ của Real Madrid sẽ tiến tới bắt tay với đội bạn. Phản ứng với trọng tài là điều cấm kị; nó sẽ chẳng dẫn đến đâu cả mà chỉ khiến thanh danh đội bóng bị vấy bẩn mà thôi.”
Tuy nhiên, đến thời của Mourinho, đích thân Perez đã công khai chỉnh sửa lại chính những điều trên: “‘Señorío’ cũng có nghĩa là bảo vệ những gì ta cho là lẽ phải, và lên án sự bất công. Vì thế, những gì Jose nói, nó cũng là ‘madridismo’ luôn.”
Nói một cách ví von, thì Florentino Perez đã chấp nhận ký một giao kèo với quỷ dữ. Ở tình cảnh lúc đó, người duy nhất có thể lật đổ ách thống trị của Pep và Barcelona chỉ có Mourinho mà thôi. Và nếu biện pháp của Jose là phát động một cuộc chiến tranh tổng lực, then all weapons’ allowed.
Andres Iniesta trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2013 đã lên án Mourinho là một kẻ độc hại, và đã huỷ hoại bóng đá Tây Ban Nha trong giai đoạn đó. Mourinho đáp trả trong buổi họp báo ra mắt Chelsea, rằng: “Ồ thế à. Tôi thì không nghĩ vậy đâu. Thứ duy nhất tôi đã huỷ hoại, là sự thống trị của Barcelona.” Tổng giám đốc Emiliano Butragueno cũng đã tái khẳng định điều này: “Chúng tôi không mang Mourinho về để kết bạn, chúng tôi mang ông ấy về để giành chiến thắng.” Tất nhiên, sự gai góc và bất chấp của Mourinho đã làm dấy lên nhiều sự tranh cãi dữ dội, ngay chính trong lòng các cổ động viên Real Madrid. Một bộ phận không nhỏ cho rằng Jose Mourinho không hiểu bản sắc của Real Madrid, nhưng cũng không ít người lại cho rằng, ông hiểu CLB này hơn tất thảy những người khác.
Nhưng có một điều không thể phủ nhận, là cái tinh thần “Chúng ta chống lại cả thế giới” của Mourinho đã thành công quy tụ được tất cả các Madridista lại ở bên đội bóng, ít nhất là trong hai mùa giải đầu tiên. Như ký giả Rocenro nhận xét: “…Mourinho biết cách đánh thức người hâm mộ Real Madrid. Trong 2 mùa giải đầu tiên, họ đã lắng nghe ông ấy. Họ đồng ý với sự bất bình của ông về những sai lầm mà các trọng tài đang mắc phải, danh sách những trận đấu bất công mà Real Madrid phải hứng chịu. Trước khi Mourinho đến, người hâm mộ đã cảm thấy mình bị bỏ rơi bởi CLB...”
Bây giờ nhìn lại, sự tan vỡ của Real Madrid của Mou ở mùa 2012/2013, nó gần như là điều tất nhiên phải đến. Cái khoảnh khắc Mourinho và các học trò kết liễu Barca, giật lấy chiếc Cúp La Liga và kết thúc bằng việc Pep rời sân Camp Nou, có thể ví như khoảnh khắc “Break the Bat” nổi tiếng của Bane trong truyện tranh DC. Họ đều sụp đổ sai khi bẻ gãy được đối thủ, và cũng là nỗi ám ảnh lớn nhất của mình. Giống như Bane, Mourinho lấy thù hận làm vũ khí, vì thế, khi thiếu văng đi kẻ thù chung là Pep, cái bầu không khí độc hại đó đã quay ngược lại thiêu đốt đội bóng của ông.
Trong buổi lễ chia tay Mourinho, Florentino Perez khẳng định Jose Mourinho đã “đưa CLB này về đúng vị thế của nó”. Có thật thế không? Trong ba năm của Jose ở Real Madrid, ông giành được một La Liga, một Cúp nhà Vua, một Siêu Cúp, thất bại trong chiến dịch La Decima; trong khi đại kình địch Barcelona giành được thêm một UCL và hẳn hai La Liga.
Ồ không. Những gì Mourinho để lại, thứ mà ông gọi là “football heritage”, nó còn vượt xa cả những danh hiệu kia. Ông đến, và chấm dứt tất cả những nỗi sợ của người Madrid. Dưới thời Mourinho, Real Madrid không còn sợ Barcelona nữa - họ vẫn thua, ýe, nhưng sợ sệt thì không. Mourinho cũng chấm dứt cái dớp 9 năm liên tiếp bị loại ở vòng 1/8 với ba lần vào tới bán kết UCL, trong đó có một lần mà đến tận ngày nay, Mourinho vẫn còn đang day dứt. Ông để lại một bộ khung dù ít dù nhiều đều đã trưởng thành và chín chắn hơn, cả về chuyên môn lẫn tinh thần. Đó mới là di sản của Mourinhista ở sân Bernabeu.
So, Mourinho, cảm ơn ông vì đã cùng chúng tôi chống lại cả thế giới.
Comments