CÁC HỌC VIỆN BÓNG ĐÁ: TÌM VỀ NHỮNG GIÁ TRỊ LÃNG MẠN XƯA CŨ
- Meringue Rimadora
- Jan 18, 2023
- 8 min read
(Dịch từ bài viết của positional-play)

Lịch sử đầy thăng trầm của bóng đá đã đi đến một giai đoạn khi mà cầu thủ đi lên từ các học viện trẻ không còn được trọng dụng như họ đã từng. Giới mộ điệu giờ chỉ còn chăm chăm vào những bản hợp đồng bom tấn có thể lên tới hàng trăm triệu. Trong bối cảnh đó, những ngôi sao ’cây nhà lá vườn’ như trường hợp của Totti đã hiếm lại càng thêm hiếm… Nhưng, trong thế giới kim tiền này vẫn còn đó mầm mống của thứ bóng đá lãng mạn đang dần hồi sinh: Các lò đào tạo bóng đá.
Những đứa trẻ lớn lên cùng bóng đá đường phố. Những ngày tháng tuổi thơ tràn ngập niềm vui và đam mê. Rồi chúng được các câu lạc bộ lớn để ý và dần trưởng thành lên qua những ngày lăn lộn trên sân cỏ. Cuối cùng, những đứa trẻ ngày nào đã trở thành những cầu thủ vang danh thế giới. Đó là câu chuyện bóng đá mà có lẽ cả bạn và tôi, tất cả chúng ta đều mong muốn được nghe. Nhưng trong bóng đá ngày nay tồn tại một chướng ngại rất lớn khiến câu chuyện cổ tích đó khó trở thành hiện thực: áp lực. Áp lực từ bên ngoài (sự thiếu kiên nhẫn của các cổ động viên bất mãn khi cậu bé vàng của họ không thể ghi hơn 20 bàn một mùa - Vinicius!) và áp lực từ bên trong (thế giới xung quanh và trong nội tâm các cầu thủ). Áp lực từ khắp mọi nơi. Nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại một nghịch lý. Đó là việc người hâm mộ đòi hỏi các cầu thủ trẻ phải đột phá, phải tiến bộ thần tốc, nhưng sẵn lòng bán phứt họ đi sau một thời gian không thể thể hiện tốt(Vinicius!). Ngộ ghê ha?
Rồi những CLB lớn thì nhiều khi bị người hâm mộ kêu là chơi bóng thiếu cảm xúc. Người ta thường than rằng lối chơi của Manchester City là ‘chán muốn chết’, rằng “Guardiolismo” chỉ muốn biến các cầu thủ thành người máy và không thiết đếm xỉa điều gì nữa, và bởi vì thế các cầu thủ phải sẵn sàng vứt đi cái tôi và sự sáng tạo để thành công. Mặt khác, ta có cả Chelsea, Barcelona, Atlético Madrid, Tottenham, Manchester United, những đội bóng đang miệt mài tìm lại bản sắc đã đánh mất sau thời hoàng kim của họ. Họ là những ông lớn có tiền, vẫn giữ lại lối chơi cũ, nhưng người hâm mộ vẫn không thể nào vui nổi vì những khiếm khuyết lù lù ra trước mắt. Đều đặn mỗi cuối tuần, cứ giờ bóng lăn, đến cả những người hâm mộ nhiệt thành nhất cũng không khỏi ca cẩm vì đội bóng con cưng đã-từng-hoàn-hảo của họ trình diễn thứ bóng đá mù mắt quá thể đáng.
Đó đều là những CLB với chương trình đào tạo trẻ đẳng cấp, như lò La Masia, Cobham, và các cantera (thuật ngữ: “học viện”) khác. Trong khi các đội bóng Ngoại hạng Anh cũng như 3 ông lớn La Liga Real Madrid, Atlético Madrid và Barcelona dần đi theo xu hướng mua hết người này người nọ từ các CLB khác, những đội bóng ở phần còn lại của bán đảo Iberian từ lâu đã nhận ra họ không có khả năng cạnh tranh theo cách đó. Họ phải sáng tạo, tạo ra bản sắc riêng của mình trong một thị trường bóng đá luôn đói ‘bản sắc’. ‘Đừng chỉ cứ máy móc mua cầu thủ profile đẹp giá thấp; phải cho người hâm mộ thấy được bản sắc chứ’
Những năm gần đây, các đội bóng La Liga từ tầm trung tới mới lên hạng đã nhận ra tiềm năng nếu đi theo cái “chất” của bóng đá Tây Ban Nha. Nếu như… nếu như người hâm mộ kêu ca ít đi và bắt đầu trân trọng đội bóng nhiều hơn. Nếu như tất cả con người ở trên khán đài hay ở trên đường pitch có thể hiểu được tâm tư của nhau, cùng chia sẻ chung bầu nhiệt huyết? Kịch bản đó đẹp, vậy tại sao không làm nó xảy ra?
Sự phát triển diễn ra từ từ, nhưng nó đã đem lại thành quả. Athletic Bilbao đã mang về những HLV người Basques, đầu tiên là Marcelino và sau đó là HLV quen thuộc Ernesto Valverde. Người xứ Basques, đơn độc giữa những ngọn núi và trong thứ ngôn ngữ Euskera kỳ bi, đã tìm ra chìa khóa cho tương lai của họ: sự kình địch. Không nhầm đâu. Sự vươn tầm của những Real Sociedad - một đội bóng xứ Basque khác, tới từ vùng San Sabastian, hay những đội bóng đi từ Segunda lên như Osasuna chẳng hạn, cũng đi theo cùng khuân mẫu này.
Mặc dù Rayo Vallecano cũng có HLV người Basque, Iraola, và họ cũng không thuộc đất Basques mà lại ở Vallecas ngoại ô Madrid, nhưng họ cũng có tư tưởng tương tự. Quyết liệt, cá tính, không ngại pressing. Đã từng có những lúc thứ đá Tây Ban Nha đầy mê hoặc tưởng chừng như sắp đi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho lối chơi chậm rãi ru ngủ của Zidane, phòng ngự tiêu cực của Simeone hay trường phái hạn chế rủi ro của Valverde. Bóng đá…không còn vui nữa. Chẳng mấy ai còn thấy hứng thú được như trước. Khi không một ai dám vùng lên, khi những kẻ không còn gì để mất không muốn chìm sâu hơn nữa, họ đã chọn dốc sức đầu tư vào việc họ giỏi nhất: phát triển tài năng. Athletic có chính sách “chỉ dành cho người Basques”, và gót chân Asin của họ, Real Sociedad, nhưng những người đó áp dụng mạng lưới tuyển trạch tương tự ở các thành phố lân cận, có trong tay những CLB nhỏ hơn để tìm kiếm các tài năng về cho những học viện đỉnh nhất Tây Ban Nha. Chăng mấy chốc, Osasuna cũng nhận ra rằng khu vực xung quanh Navarra mới là địa linh cho những viên ngọc thô của họ. Vấn đề giờ đây đã không chỉ còn là trở thành đội giỏi nhất nữa, mà là trở thành đội có bản sắc nhất.

Tin hay không tùy bạn, nhưng đó là một lựa chọn sáng suốt. Các CLB này đã thành công thu hút đám đông đến theo dõi và xây dựng được một cộng đồng fan trung thành tuyệt đối. Bỗng nhiên, việc trở thành đội giỏi nhất không còn quan trọng bằng tạo dựng sự gắn kết bền chặt với người hâm mộ - từ đây, họ có thể một lần nữa làm sống lại bầu không khí cuồng nhiệt trong những trận bóng. Người ta đã nhận ra rằng việc lãng phí tài năng như lò đào tạo Cobham của Chelsea đã làm mấy năm trước đây sau cùng sẽ chỉ dẫn đến thảm họa, và giờ càng ngày càng thêm nhiều CLB đã nhận ra tầm quan trọng của những tài năng “của nhà trồng được”. Điều đó giúp cho sợi dây liên kết giữa người hâm mộ và CLB trở nên ngày một khăng khít hơn. Ví dụ, tuy không có những cá nhân xuất sắc nhưng Osasuna vẫn được công nhận là một đội bóng cứng cựa và khó chơi. Học viện sản sinh ra những giá trị, những giá trị này sau đó trở thành văn hóa, hồn cốt của CLB. Đội Một đơn giản là mảnh ghép cuối cùng trong một bức tranh tổng thể, và khi bản ghép hình được hoàn thiện, công việc của HLV nghiễm nhiên cũng trở nên dễ dàng hơn.
Nhưng để đơm hoa kết trái thì quá trình này cần có một điều kiện tiên quyết, đó là sự kiên nhẫn. Sự kiên nhẫn phải tới từ tất cả mọi người, từ CĐV, từ các cầu thủ, BLĐ và các HLV, vì sức một người đâu thể đủ để tạo dựng nên cả một nền văn hóa? Những xúc cảm mà Chimy Avila đem tới cho các fan, hay như cách mà những Muniain, Mikel Merino và Sergio Canales làm rung chuyển đám đông về bản chất nó khác xa so với hiệu ứng như từ những Haaland hay Casemiro - những bản hợp đồng bom tấn. Nó sâu đậm hơn, và trên hết là nó đem lại cảm giác thân thuộc hơn rất nhiều. Nói thế không phải để khen chê hay đưa ra phát ngôn gây bão hay gì cả, mà chỉ là để phân biệt hai trường phái cho quý độc giả hiểu thôi. Mua được một cầu thủ siêu sao giá hời thì đúng là tuyệt vời thật, nhưng mà có trong tay một người hùng địa phương, một người sinh ra, trưởng thành và đã thấm nhuần nền văn hóa nơi đó, thì sao lại không nhỉ?
Khái niệm học viện trẻ rất hấp dẫn. Cái lý tưởng ‘cầu thủ đi lên từ học viện trẻ’ lại càng hấp dẫn nữa. Nhưng tư tưởng “tự cung tự cấp” này vẫn không hoàn hảo. Athletic Club và nhiều nhiều CLB khác vẫn chưa sản sinh ra được một số 9 thực thụ. Nhưng có lẽ người ta yêu mến các CLB cũng bởi khiếm khuyết này. Một tình yêu đẹp theo cách của riêng nó: một tình yêu có sự ràng buộc, có cay đắng nhưng vẫn ngập tràn cảm xúc, một tình yêu không xuất phát từ cái mã hào nhoáng bên ngoài, một tình yêu trong sáng, thuần khiết, và nồng cháy. Osasuna, trước khi thăng hạng từ giải hạng Hai, vẫn cùng HLV đấy, người đã có một khởi đầu thảm họa với vị trí của đội bóng nằm trong nhóm cầm đèn đỏ; nhưng khác với Elche hay Levante, họ kiên định với lựa chọn của mình. Đôi khi cũng nên công chuyện, đôi khi xôi hỏng bỏng không. Nhưng Osasuna đã thắng ván cược, và họ giờ đây đã trở thành một ngôi sao sáng của bóng đá Tây Ban Nha, một CLB kiểu mẫu, một con ngựa ô, một tập thể gắn kết như một gia đình. Ví họ như một giáo hội cũng chẳng sai, vì ta rất dễ bị cuốn vào bầu không khí đó. “Một vài nhịp chạm, một pha phản công nhanh, xuyên phá Zone 14”, kết hợp cùng cường độ dữ dội, những chiêu bài tâm lý, những sắp xếp chiến thuật hoà làm một, khiến đối thủ run sợ và chùn bước. Osasuna giành những chiến thắng với tâm thế như vậy đấy, đầy ngạo nghễ; những chiến thắng vượt xa khái niệm “chiến thuật”.
Người hâm mộ nào chả thích đội mình thắng. Nhưng sâu hơn nữa, cũng một bộ phận không nhỏ, họ đi tìm những xúc cảm. Những đội bóng nhỏ nhưng biết trân trọng bản sắc và truyền thống sẽ thu hút những thứ mà tiền không bao giờ mua được. Đôi khi người hâm mộ sẽ phải chịu đựng đau thương, hẳn rồi, nhưng kèm theo đó, mùi vị của chiến thắng sẽ ngọt ngào hơn gấp bội. Osasuna, Athletic Club và Rayo Vallecano được mang tiếng rộng rãi là những kẻ khó chơi; không phải ngẫu nhiên mà tất cả bọn họ đều trọng dụng những tài năng địa phương. Những cầu thủ xuất thân từ học viện, sẵn sàng sống chết vì đội bóng.
Sau cùng thì, bóng đá cũng có thể coi là một bức tranh thu nhỏ của cuộc đời thôi. Nó muôn màu muôn vẻ. Dù có là người anh hùng địa phương hay có là siêu nhân từ vì sao khác tới cũng không quan trọng: không có lựa chọn nào là “đúng đắn tuyệt đối” cả. Miễn sao người ta thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình là được rồi.
Comments