LA FABRICA: THE ACADEMY SUPPLYING SPAIN
- Nguyễn Hữu Trung
- Feb 6, 2023
- 10 min read
Updated: Feb 12, 2023
(Lược dịch và biên tập từ bài viết của The Athletic)
Khi tiến vào khu phức hợp Valdadebas, thứ đầu tiên đập vào mắt chúng ta sẽ là phòng thay đồ của nhóm cầu thủ U5 - những thành viên trẻ nhất của CLB, bước đầu tiên trong hành trình tiến đến đội Một của Real Madrid. Đây chính xác là những gì CLB muốn phản ánh trong cấu trúc hệ thống đào tạo của họ. Bên cạnh sân Alfredo Di Stefano, có 11 sân bóng và rất nhiều toà nhà khác ở trong khu phức hợp này. Đó như là những cột mốc một cầu thủ sẽ phải chinh phục, với hy vọng một ngày được chơi bóng thảm cỏ Santiago Bernabeu. Đó sẽ là một hành trình rất dài và gian nan, chắc chắn sẽ đòi hỏi rất nhiều sự đánh đổi. Như HLV luôn nhắc nhở các cậu bé, nó sẽ chỉ ngày một trở nên trắc trở hơn mà thôi. Nó đặc biệt đúng khi những mầm non này tiến lên các “high-cantera” được tô màu xanh từ những bức tường vàng của “low-cantera”. (PV: cantera là học viện trong tiếng Tây Ban Nha).
Với mỗi lứa tuổi ở cả đội nữ lẫn đội nam, có khoảng 364 cầu thủ đang được đào tạo ở đây, cách trung tâm thủ đô 12.7 km. Real Madrid đang có kế hoạch mở rộng khu huấn luyện của họ, và CLB sẽ trích ra €25M dành cho dự án này. Ngoài ra, trong báo cáo tài chính tài khoá 21/22 của CLB, có €36M được ghi chú là “thu nhập từ học viện”.
Thật vậy: đúng với ý nghĩa cái tên “Nhà Máy” mà cố huyền thoại Alfredo Di Stefano đặt cho, La Fabrica thực sự đã và đang đem về những khoản thu đáng kể cho Los Blancos. Trong 10 năm gần nhất, La Fabrica mang về cho Real Madrid tới €330.5M. Mùa hè 2022 vừa qua, qua việc bán các cầu thủ tự đào tạo, đội chủ sân Bernabeu kiếm được €15M [Borja Mayoral -> Getafe(€10M); Miguel -> Girona(€10M); Victor Chust(€1M)]
Dù số những cầu thủ cây nhà lá vườn thực sự chiếm được một suất ở đội Một Real Madrid chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay - gần đây có những Carvajal, Nacho và Vazquez, nhưng thực sự những sản phẩm của La Fabrica đang phủ sóng khắp La Liga. Có tới 55 cầu thủ xuất thân từ đây đang thi đấu ở hạng đấu cao nhất xứ sở bò tót, phân bố cụ thể như dưới hình(1). Ngay cả đại kình địch của họ - Barcelona, cũng đang sở hữu một cựu học viên La Fabrica trong đội hình - đó không ai khác ngoài cựu cầu thủ Chelsea, Marcos Alonso.

Vậy, đâu là chìa khoá tạo nên thành công của La Fabrica?
Những người làm việc ở đây tin rằng, thứ tạo nên thành công của La Fabrica nằm ở cách tiếp cận rất riêng biệt, khó có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu khác - không chỉ ở Tây Ban Nha, mà ngay cả trên thế giới. Họ áp dụng một sự pha trộn của những triết lý và giá trị xuyên suốt.
La Fabrica là một dự án được khởi xướng bởi cố Chủ tịch Santiago Bernabeu vào những năm 1950, và là độc nhất vô nhị ở Tây Ban Nha vào thời điểm đó. Các cậu nhóc tiềm năng sẽ được tuyển mộ dựa theo những giải đấu ở cấp độ học đường, hoặc các giải trẻ mà con em của các thành viên CLB tham gia. Những “canteranos” xuất chúng đầu tiên trong lịch sử CLB gồm có Juan Setisteban, Antonio Ruiz, Ramon Marsal và Enrique Meteos - một phần của đội hình Real Madrid 5-peat C1 vô tiền khoáng hậu giai đoạn 1956 - 1960. Kế tiếp là nhóm ye-ye nổi tiếng, đặt theo tên của một ban nhạc cùng thời, những trụ cột đem về chức vô địch C1 thứ 6 vào năm 1966: Pedro de Felipe, Fernando Serena, Ramon Grosso và Manuel Velazquez.
Nhưng thế hệ học viện được nhắc tới nhiều nhất hẳn phải là nhóm Quinta del Buitre, nhóm “Ngũ Kền Kền” của thâp kỷ 1980, đặt dựa theo tên của thủ lĩnh Emiliano Butragueno. Phần còn lại gồm Manolo Sanchis, Miguel Pardeza, Michel và Martin Vazquez. Pardeza rồi sẽ rời đi để gia nhập Zaragoza, nhưng phần còn lại thì đều đã là nòng cốt đem về 5 chức vô địch quốc nội liên tiếp (1985-86, 1986-87, 1987-88, 1988-89 và 1989-90) và hai UEFA Cup (1984-85 và 1985-86).
Đây cũng là thế hệ đầu tiên của La Fabrica không bị đưa tới thành phố Cadeira ở Galicia để “vỗ béo” theo đúng nghĩa đen. Vì ở thời đó, chất lượng dinh dưỡng là rất tồi tệ, nên Real Madrid sẽ đưa những cầu thủ học viện tới thị trấn ở phương Bắc này để nâng cao thể lực và hưởng một chế độ dinh dưỡng đạt chuẩn.
Kể từ năm 2020, La Fabrica được điều hành bởi cựu cầu thủ Manuel Fernandez. Cha ông là một cựu giám đốc của Real Madrid, và chính Manuel cũng đã giành 6 năm ở La Fabrica dưới tư cách một huấn luyện viên. Abian Perdormo là cánh tay phải của ông. Những huyền thoại CLB đã và đang làm công việc huấn luyện ở đây: hiện tại, Raul cầm đội Castilla, còn với Arbeloa là đội Juvenil A(U14). Ngoài ra, những cựu cầu thủ khác như Juan Jose Vallina, Juan Carlos Duque và Jordi Codina cũng đều đang đảm nhiệm những chức vụ nhất định.

Raul Gonzalez, cầu thủ ra sân nhiều trận nhất lịch sử CLB với 741 trận từ năm 1994 - 2010, hiện đang là HLV của đội Castilla.
La Fabrica hướng tới đào tạo ra những cầu thủ “toàn cầu”, như cái cách họ miêu tả. Các học viên được khuyến khích phát triển một cách toàn diện và không bị gò bó vào một triết lý quá cứng nhắc, nhằm đảm bảo họ có đủ những phẩm chất cần thiết để thích nghi và toả sáng ở bất kỳ môi trường bóng đá nào.
*#Merry: đây là một điểm có thể nói là tách biệt hoàn toàn La Fabrica với các cantera khác ở Tây Ban Nha. Theo chia sẻ của một người hiện đang làm việc ở học viện Atletico Madrid, các cầu thủ trẻ ở đất nước này được tiếp cận với các khái niệm chiến thuật từ rất sớm, và cá nhân mình không thích hướng tiếp cận này lắm. Gò bó quá mức những chàng trai trẻ không phải là ý hay - ở độ tuổi đó, họ cần phải được tự do thể hiện khả năng và tận hưởng việc chơi bóng. Nhưng không thể phủ nhận việc gò các cầu thủ trẻ vào một nền tảng triết lý từ sớm là một phần lý do giúp các cầu thủ học viện ở Tây Ban Nha, đơn cử như Barcelona, hoà nhập rất nhanh với đội Một.
Gonzalo Exposito, 24 tuổi, người đã giành 9 năm ở La Fabrica và hiện đang chơi cho Las Rozas - một CLB của thành Madrid khác ở giải hạng năm, chia sẻ:
“Ở Madrid, ban đầu, tôi vốn là một hậu vệ biên. Thế rồi tôi được kéo vào đá trung vệ, nhưng nhiều HLV vẫn sử dụng tôi cả ở hàng tiền vệ. Những năm tháng đó đã dạy tôi rất nhiều, giúp tôi hiểu trò chơi này hơn và có thể chơi được ở nhiều vị trí.”
Với lứa tuổi U14, trọng tâm sẽ được đặt vào việc được chơi bóng và thi đấu, sẽ không có quá nhiều bài tập. Kể từ U15 đổ đi, sẽ có nhiều hơn những bài tập kỹ chiến thuật cụ thể và lặp đi lặp lại, nhưng vẫn có chỗ cho những sự linh động. Ở Madrid, họ sẽ cố đổi hệ thống để phù hợp với các cầu thủ, thay vì cố gắng gò họ vào một khuân mẫu chung.
Vậy còn những học viên thì sao? Họ đến từ đâu?
Nhiều năm trước, các biểu tượng hàng đầu như Iker Casillas hay Sanchis lọt vào tầm ngắm sau khi gây được ấn tượng ở những giải trẻ được chính CLB tổ chức. Khi đó, CLB sẽ mời những cậu bé như vậy tham gia những màn thử việc, cơ mà đó đã là chuyện của quá khứ. Ngày nay, quá trình tuyển mộ diễn ra chặt chẽ và kỹ lưỡng hơn rất nhiều. Không còn những buổi thử việc nữa, và nếu có một cậu nhóc nào đó gây được ấn tượng với đội ngũ tuyển trạch, cậu bé đó sẽ được theo dõi trong 6-7 trận đấu, thay vì chỉ 1-2 trận. Với trường hợp của những tài năng dưới 12 tuổi, mạng lưới tuyển trạch của Real Madrid sẽ chỉ gói gọn trong Cộng đồng Madrid mà thôi. Chính sách này chịu ảnh hưởng một phần từ những nghiên cứu gần đây của FIFA, chỉ ra rằng một cầu thủ trẻ không nên phải xa nhà quá 100 km.
Thực tế thì Real Madrid cũng có để mắt tới cả phần còn lại của Tây Ban Nha. Họ có một tuyển trạch viên ở mỗi vùng trong 17 khu vực tự trị của Tây Ban Nha, những nơi như Catalonia, Andalusia, hoặc đảo Canary. Những tài năng từ nơi khác đến sẽ sinh hoạt trong một khu tập thể hết sức tân tiến được xây dựng vào năm 2014.
Cơ mà những người làm việc ở La Fabrica đều ý thức được rằng những cầu thủ sinh ra ở Madrid thường sẽ là những người lên được đội Một, và thực tế cũng chỉ ra điều này, với những ví dụ như là Carvajal hay Nacho Fernandez. Nacho là một trong những cái tên rất thường xuyên được nêu ra như một hình mẫu, không chỉ bởi anh sinh ra tại Alcala de Henares(thuộc Cộng đồng Madrid), hay bởi anh đã đeo băng đội trưởng qua các cấp độ trẻ, mà còn bởi Nacho là một tấm gương hoàn hảo về thái độ và cách hành xử. Anh đại diện cho những giá trị mà La Fabrica luôn muốn thấy ở các học viên của họ.
Ở Madrid, thái độ luôn là tối quan trọng. Khi được hỏi, Emiliano Butragueno giải thích với The Athletic như sau: “Các chàng trai ở La Fabrica luôn được dạy những giá trị như là sự tôn trọng, cũng như tinh thần tận tâm để duy trì phong độ lâu dài, bởi tất cả bọn họ đều đại diện cho CLB.
Những giá trị đó rồi sẽ được phản chiếu trên con đường sự nghiệp của họ sau này. Chúng tôi rất chú trọng tới hành vi của họ cả trong và ngoài sân bóng, vì chúng gắn chặt với nhau. Đây là những điều tất cả chúng tôi đều tin vào.”
Mọi người ở học viện đều nhấn mạnh vào thứ gọi là “DNA Real Madrid”, về lịch sử lâu đời và mối liên hệ mật thiết với bản sắc CLB. Về những kỳ vọng và sự giám sát chặt chẽ ở khía cạnh truyền thông. Và tất nhiên, là vai trò của thứ DNA này trong thành công của học viện.
Nhưng, dĩ nhiên, phần lớn các cậu bé sẽ không vượt qua được quá trình khắc nghiệt này, và không thể xây dựng được cho mình một sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp.
“Tôi luôn nói với các cậu bé rằng trước mắt chúng sẽ là một hành trình cực kì, cực kì khó khăn, và trước hết, hãy cứ trở thành một con người tốt đi đã.” - Vincente del Bosque, người trước khi dẫn dắt đội Một đã giành tới hai thập kỷ ở các cấp độ trẻ, chia sẻ.
Ngày nay cũng vậy. Mỗi khi các cầu thủ trẻ được trao cơ hội, những người thầy ở La Fabrica sẽ luôn nhấn mạnh với họ rằng họ phải tận dụng, phải nắm chặt lấy cơ hội đó. Vì đây, là học viện bóng đá khắc nghiệt nhất thế giới.
Thường thì một số lượng lớn các cầu thủ trẻ sẽ bị lọc ra ở hai giai đoạn: khi các cậu nhóc từ cấp độ Alevin(U12) tiến lên Infantil(U13) và từ Cadete(U16) lên cấp độ Juvenil(U17). Nhưng đây chưa phải là kết thúc với những cậu trai này. Real Madrid vẫn sẽ dõi theo quá trình phát triển của họ sau đó, và thậm chí là còn sát sao hơn cả với những người ở lại. Thủ thành trẻ Mario de Luis là một ví dụ. Cậu được đào tạo ở La Fabrica, nhưng rồi bị loại và chuyển qua đội trẻ của Rayo Vallecano. Nhưng đội ngũ tuyển trạch vẫn tiếp tục để mắt tới cậu ấy, và sau khi chứng kiến những màn thể hiện ấn tượng của Mario ở Rayo, họ đã đưa cậu trở lại. Hiện tại, Mario de Luis là lựa chọn số một của Raul trong khung gỗ của đội Castilla.
Một nguồn tin có thâm niên ở La Fabrica và đã quá quen với việc nhìn những viên ngọc thô rời khỏi học viện chật ních tài năng này cho hay:
“Muốn lên được đội Một của Real Madrid, một cầu thủ trẻ phải phá vỡ những giới hạn của bản thân. Cánh cửa không được để mở đâu, họ sẽ phải tự đạp cửa mà xông vào.
Nhưng khi Real Madrid bán đi những cầu thủ trẻ, CLB sẽ luôn giữ lại một phần sở hữu, và thường sẽ cài điều khoản mua lại hoặc là đem cho mượn.”
Nguồn tin này đã yêu cầu được ẩn danh vì lý do bảo mật. Người này khẳng định rằng không hề cảm thấy bất ngờ chút nào khi Real Madrid kích hoạt điều khoản mua lại hậu vệ cánh 23 tuổi, Fran Garcia, từ Rayo. Fran rời CLB năm 2020 với một bản hợp đồng cho mượn, chuyển qua bán đứt 50% vào năm 2021, và với phong độ xuất sắc gần đây, anh đã được Real Madrid cân nhắc đem về. Được thúc đẩy một phần bởi sự quan tâm tới từ Leverkusen của Alonso, Fran Garcia sẽ chính thức quay trở lại thi đấu trong màu áo trắng Hoàng Gia với mức giá €5M kể từ mùa giải sau.

Fran Garcia(phải) và Oliver Skipp(trái) trong một trận đấu ở UEFA Youth Champions League vào năm 2017.
“Một cầu thủ trẻ cần nhiều hơn là tài năng để thành công ở đây. Anh ấy sẽ còn cần cả sự may mắn, sự tận tuỵ, và sẵn sàng đánh đổi rất, rất nhiều thứ.” - Exposito, nhiều hơn Fran Garcia một tuổi khẳng định. Và Vincente Del Bosque hoàn toàn đồng tình với nhận xét trên.
Ai thì cũng sẽ phải trải qua một hành trình khó khăn như vậy thôi, nhưng sẽ có một vài ngoại lệ. Những người như Casillas, hay Raul. Lý do rất đơn giản thôi: Họ quá giỏi.

Chi tiết về 55 cầu thủ từng thuộc lò La Fabrica ở La Liga hiện tại.
Comments